2012/12/12

Vào web ở Bắc Hàn là sự 'liều mạn

BBC
2012/12/11

Vào mạng internet ở quốc gia ‘bí mật’ nhất thế giới cảm giác thế nào? Trả lời ngắn gọn là – kỳ lạ, ít nhất so với tiêu chuẩn bình thường ở các nước khác.
Nhưng khi người Triều Tiên phải liều cả mạng sống của mình để kết nối với thế giới bên ngoài, đây có thể được đánh dấu là thời khắc lịch sử bi kịch của một quốc gia.

Trên các trang mạng chính thống của Triều Tiên bao giờ cũng thấy có một hình khá kỳ lạ. Đó là do chương trình ghi mã mà mỗi trang web bắt buộc phải có.
Chức năng của chương trình này đơn giản nhưng rất quan trọng. Mỗi khi lãnh đạo Kim Jong-un được nhắc tới, tên của ông này sẽ tự động xuất hiện với cỡ chữ to hơn bình thường một chút. Không nhiều, nhưng đủ lớn để trông nổi bật hẳn so với những chữ khác.

Đây chỉ là một lớp cắt của “internet” ở Triều Tiên, nơi đầy những điều kỳ thú có một không hai.
Tên của Kim Jon-un và các lãnh đạo trước của Triều Tiên được đổi sang chữ nhỉnh hơn bình thường
Ở đất nước nơi công dân bị cố ý để cho đói thông tin và thứ thông tin đẩy đủ duy nhất là tuyên truyền của nhà nước, mạng internet cũng bị kiểm soát bởi nhu cầu của nhà nước – nhưng một niềm tin đang ngày càng mạnh mẽ hơn là sự ngăn chặn của nhà nước rồi có lúc hết thời.

“Giờ đây nhà nước không còn kiểm soát được mọi kênh liên hệ thông tin trong nước nữa, điều mà trước đây họ làm được,” Scott Thomas Bruce, chuyên gia viết về Triều Tiên giải thích.
“Đây là bước phát triển nổi bật.”

Năm 101

Chỉ có một tiệm cà phê internet duy nhất ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Ai dùng máy tính ở đây cũng sẽ không tìm được hệ điều hành Windows, mà chạy bằng Red Star – hệ điều hành riêng của Triều Tiên xây dựng, do chính ông Kim Jong-il ủy thác.

Dữ liệu cài đặt sẵn cho thấy tầm quan trọng của hệ điều hành máy tính dựa trên giá trị của đất nước.
Hệ điều hành Red Star do Triều Tiên tự thiết kế
Lịch trên máy tính này không đề năm 2012, mà năm 101 – số năm tính từ ngày sinh của ông Kim Nhật Thành, vị lãnh đạo đưa ra học thuyết chính trị làm nền móng cho các quyết sách cho tới ngày nay.

Dân thường không được vào mạng. Ưu tiên này chỉ dành cho một số người được chọn trong nước, gọi là thành phần ưu tú, và một số học giả, nhà khoa học.

Những gì thành phần ưu tú đọc được qua mạng internet chẳng nhiều nhặn gì và thiếu chiều sâu, nó giống như công ty cung cấp mạng máy tính nội bộ hơn là thông tin toàn cầu mà những người ở thế giới bên ngoài vẫn được biết.

“Hệ thống do họ [Triều Tiên] lắp đặt với mục đích kiểm soát dễ dàng và có thể gỡ xuống nếu cần thiết,” ông Bruce giải thích thêm.

Hệ thống này tên là Kwangmyong, của công ty cung cấp internet duy nhất và cũng thuộc nhà nước.
Theo ông Bruce, hệ điều hành chủ yếu có “bảng tin nhắn, hệ thống chat, và truyền thông nhà nước”. Và tất nhiên không có mạng xã hội Twitter.

“Với các nhân viên kiểm soát của nhà nước đang dõi theo diễn biến ở Trung Đông,” ông Bruce nói, “họ cho rằng thay vì có Facebook hay Twitter, có thể lập ra một dạng Facebook mà nhà nước kiểm soát được?”

Hệ điều hành Red Star chạy trên phiên bản tương thích với trình duyệt web Firefox, gọi là Naenara, cổng thông tin chính của Triều Tiên, có cả bản tiếng Anh.

Những trang mạng chính trong đó có dịch vụ tin tức – chẳng hạn như Voice of Korea (Tiếng nói Triều Tiên) – và Rodong Sinmun, bộ phận chính thức của nhà nước.

Nhưng bất kỳ ai sản xuất nội dung cho “mạng internet” này cũng phải cẩn thận.

Tổ chức Phóng viên không Biên giới – kiểm soát tự do báo chí toàn cầu – cho biết, một số “phóng viên” Triều Tiên được gửi tới trại “cách mạng” nhiều khi chỉ do lỗi gõ chính tả trong bài.
Vượt qua giới hạn của mạng nội bộ Kwangmyong, một số người Bắc Hàn cũng có được mạng internet đầy đủ, không bị thanh lọc.

Tuy nhiên, con số này chỉ dừng lại ở khoảng một tá – thường là trực tiếp liên quan tới Kim Jong-un.
Theo Chris Green của Daily NK, một trong rất nhiều cách sáng tạo để có thông tin của người Triều Tiên là dính USB vào bóng bay và cho bay qua biên giới.
Những ổ dữ liệu này thường chứa các chương trình của Hàn Quốc - như phim truyền hình - và cả Wikipedia bản tiếng Hàn.
Như vậy, mặc dù hầu hết người Triều Tiên không được dùng internet nhưng vẫn có thể dùng ổ USB để đọc thông tin bên ngoài.
Daily NK là trang mạng đặt ở Hàn Quốc nhưng chuyên đưa thông tin về người Triều Tiên ở cả trong và ngoài nước.
"Đôi khi chúng tôi được nghe những chuyện mà chính James Bond cũng phải tự hào," ông Bruce nói.
"Di động được giấu trong túi nilông và chôn ở các khu đồi cách xa thị trấn, thành phố, chỉ được đào lên để thực hiện một cuộc gọi ngắn không quá hai phút nếu muốn tránh bị quân đội hay Bộ An ninh Quốc phòng phát hiện qua máy dò nam châm điện."
 ‘Mạng Muỗi’

Sự bất đắc dĩ của Triều Tiên trong việc kết nối công dân với mạng internet bị trung hòa bởi sự trao đổi bắt buộc, là phải cởi mở hơn một chút nếu muốn tiếp tục sống sót.

Trong khi Trung Quốc tai tiếng với “Vạn lý tường lửa” – chặn mọi thứ liên quan tới Twitter, và thỉnh thoảng cả trang của BBC – hạ tầng công nghệ của Triều Tiên được gọi là “mạng muỗi”, chỉ cho chút xíu thông tin cơ bản nhất lọt ra ngoài cũng như lọt vào trong nước.

Và chính điện thoại di động khiến cái mạng muỗi đó bị thủng.

Mạng di động chính thống ở Bắc Hàn không cho phép người dùng kết nối truyền dữ liệu hay thực hiện cuộc gọi quốc tế, nhưng dân Triều Tiên lại biết cách mua trộm điện thoại của Trung Quốc, tuồn qua biên giới.

Điện thoại cầm tay thường hiệu quả trong phạm vi 10 cây số kể từ ranh giới giữa hai nước, nhưng không hề an toàn.

“Mức độ nguy hiểm mà người ta đang phải đối mặt là không thể tưởng tượng được nếu từ 20 năm trước kia,” theo Nat Kretchun, đồng tác giả bản báo cáo “động trời” về việc thay đổi môi trường truyền thông của Bắc Hàn.

Bản báo cáo với tựa đề A Quiet Opening (Mở đầu lặng lẽ), phỏng vấn 420 người trưởng thành chạy trốn khỏi đất nước. Trong số những câu chuyện này thoáng qua vài đoạn nhắc tới việc dùng di động trái phép.

“Để đảm bảo sóng di động không bị phát hiện, tôi phải dùng chậu rửa mặt đầy nước và đội nắp nồi cơm điện lên đầu trong khi gọi điện,” một người tham gia phỏng vấn nói, anh này 28 tuổi, rời Triều Tiên từ tháng 11 năm 2010.
Di động của Triều Tiên có mạng 3G nhưng không có internet
“Tôi cũng chẳng rõ là cách đó hiệu quả thật không, nhưng tôi chưa bị bắt quả tang.”
Dầu cho công nghệ của anh khá đáng ngờ, nỗi sợ của anh ta lại rất có cơ sở.

“Sở hữu di động trái phép là tội rất lớn,” ông Bruce giải thích.

“Chính phủ cho dùng các thiết bị kiểm soát để truy ra những người có điện thoại trái phép.
“Nếu anh sử dụng chúng, thường là phải ở khu vực đông người, và chỉ nói rất ngắn gọn.”

Thông tin thật


Thời còn làm lãnh đạo, Kim Jong-il từng cho hàng trăm xe tăng diễu hành trên phố để thể hiện mình là “thần đồng quân sự”.

Nhiều nhà quan sát nói, đối lập với đó là con trai ông, Kim Jong-un, lại cố thể hiện mình có đầu óc nhạy bén công nghệ, biết đưa công nghệ cao tới cuộc sống của người dân.

Nhưng mỗi bước trên con đường này lại đưa người dân Triều Tiên tới gần hơn với những gì họ chưa từng có trước đó – thông tin thật, có thể gây ra hậu quả khôn lường đối với quốc gia “bí mật” này.

“Tôi không thấy cánh cửa nào sẽ sớm mở ra cho một Mùa Xuân Ả Rập,” ông Bruce nói.
“Nhưng tôi tin rằng người dân đang mong chờ được đến gần công nghệ – và điều này tạo ra môi trường cho những hy vọng cá nhân mà không dễ gì lùi lại được.”

2 comments:

  1. Tác giả không thể sử dụng những câu từ đơn giản dc à ? Nhiều câu đọc vào ko thể hiểu nổi cái nội dung đang nói đến

    ReplyDelete
  2. Đúng là chỉ có ở Triều Tiên. Không hiểu sự lãnh đạo của bộ máy nhà nước ra sao. Đời sống của người dân vẫn còn quá khó khăn. Nhưng đầu tư cho quân đội lại rất mạnh. Gần như mọi việc không cân đối một chút nào

    ReplyDelete