2012/11/16

Hết sức vô lý, cấm facebook đích thị là hạ sách

Giáo Dục Việt Nam
2012/11/16
"Việc cấm facebook như độc giả Dũng đưa ra làm tôi liên tưởng câu chuyện con dao và kẻ giết người...", độc giả Nguyễn Thị Tuyết bày tỏ.

Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của độc giả Phạm Quốc Dũng với nội dung "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả. Trong vài trăm comment, email gửi đến tòa soạn thì trong đó hầu hết phản bác ý kiến mà anh Phạm Quốc Dũng đưa ra.  Trong phạm vi bài này, Giáo dục Việt Nam xin đăng tải ý kiến của bạn đọc Nguyễn Thị Tuyết để rộng đường dư luận.
Tôi đã đọc rất kỹ các ý kiến được độc giả Phạm Quốc Dũng nêu trong bài "Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam". Và là một người cũng đã có thời gian dài sử dụng facebook, tôi thấy rằng, với những lập luận mà ông đã đưa ra trong bài thực sự là hết sức vô lý.
Bởi lẽ, trước hết phải khẳng định, sự ra đời của mạng xã hội nói chung và facebook nói riêng là thể hiện sự phát triển của nền văn minh nhân loại trong thời kỳ công nghệ thông tin, mạng internet bùng nổ.

Thực tế, rất nhiều thành viên ở các quốc gia, dân tộc khác nhau, cách xa nhau về mặt địa lý, không thể giao tiếp trực tiếp nhưng qua mạng xã hội, qua facebook họ có thể kết bạn với nhau, cùng trò chuyện, chia sẻ, bày tỏ ý kiến về nhiều chủ đề cùng quan tâm.

Độc giả đóng góp ý kiến xin gửi về báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi! Hay nói cách khác, facebook chính là nơi tạo ra sự gắn kết không khoảng cách giữa các cộng đồng.

Tuy chỉ là một thế giới ảo nhưng thực sự những lợi ích mà nó mang lại thì thực sự rất to lớn và có thể khẳng định ngay là sẽ không thể có bất cứ một công cụ, biện pháp gì có thể tạo được hiệu quả hơn.

Cho nên, việc độc giả Phạm Quốc Dũng đưa ra ý kiến chấm dứt ngay hoạt động của Facebook tại Việt Nam ở đây, có thể thấy là chẳng khác gì việc chúng ta đi ngược lại sự phát triển của văn minh nhân loại trong thế kỷ công nghệ thông tin này.

Cùng với đó, nếu ai đã dùng và hiểu về facebook thì đều khẳng định facebook không hề có hại, không hề xấu và cũng không hề có lỗi mà có xấu, có lỗi ở đây, chính là những người dùng facebook để phục vụ vào những lợi ích, mục đích xấu của mình.

Thực tế, những facebook được lập ra như độc giả Dũng nói để bêu xấu, xúc phạm hình ảnh, danh dự người khác là có nhưng đó không phải lỗi ở facebook mà đó là lỗi ở những người lập ra Hội, Nhóm facebook đó. Họ có mục đích xấu và họ đã lợi dụng những tiện ích của facebook để phục vụ cho mục đích, âm mưu đen tối, xấu xa của mình.

Việc cấm facebook như độc giả Dũng đưa ra ở đây làm cho tôi liên tưởng cũng giống như câu chuyện con dao và kẻ giết người. Ai cũng biết rằng, con dao có những lợi ích rất tốt trong việc phục vụ đời sống của con người nhưng đã không ít người đã lợi dụng nó để phục vụ cho mục đích xấu xa, thậm chí là dùng con dao để tước đoạt đi quyền được sống của người khác.

Cấm facebook có khác gì cấm người ta dùng dao nhưng thực chất, dao không có lỗi mà kẻ cầm dao giết người mới là kẻ có lỗi, có tội.

Sự phát triển của Facebook ở đây còn thể hiện lên rõ ràng quyền "tự do ngôn luận" của người dân trong xã hội ngày càng được nâng cao và tôn trọng. Người dân có quyền bày tỏ những chính kiến của mình về các vấn đề trong xã hội mà mình quan tâm.

Và thực tế, ở nhiều nước trên thế giới và chính ở Việt Nam, nhờ có những ý kiến được bày tỏ trên mạng xã hội như Facebook này mà các lãnh đạo có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của người dân như thế nào. Từ đó có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, thậm chí là định hướng công chúng lại cho đúng.

Có thể một vài người sẽ bị chê bai, góp ý nọ kia, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta nghĩ theo hướng tích cực thì đây sẽ là dịp để cho những người đó tự nhìn lại mình xem tại sao mình lại bị chê bai như vậy? Đồng thời, từ đó, theo tôi sẽ là cơ hội để những người đó, họ được sửa đổi, sống tốt hơn.

Xã hội, dân trí ngày càng phát triển, tiến bộ lên thì tại sao ở đây, mình lại có thể đưa ra những điều mà dường như lại đi ngược, lại quay trở lại thời kỳ cũ để sống.

Cũng có một điều chắc độc giả Dũng chưa nghĩ đến khi viết những ý kiến trên, đó là, có một thực tế ở Việt Nam, những gì càng cấm lại càng được người dân tìm kiếm nhiều, thậm chí là sử dụng cả những hành vi lách luật để có thể thực hiện được. Ở đây, giả sử nếu có cấm facebook thì chắc chắn câu chuyện đó sẽ xảy ra. Và khi đó, những hậu quả mà nó có thể gây ra thì thực sự không ai có thể đoán trước hết được.

Do vậy, tôi nghĩ rằng, thay vì cấm facebook tại Việt Nam thì chúng ta nên có những quy định cụ thể, nghiêm minh để kiểm soát, định hướng nó để đảm bảo hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích đề ra.

Tất cả những nội dung xấu, đồi trụy, phản động, gây kích động dân chúng, hướng theo mục đích xấu đều cần phải được điều tra rõ và xử lý nghiêm theo qui định pháp luật.

Facebook theo tôi cũng như con người chúng ta vậy, đều có hai mặt là xấu và tốt. Hay nói cách khác là không thể nào toàn diện được 100%. Nhưng nếu chúng ta có những biện pháp đúng cách, hữu hiệu, nghiêm minh thì sẽ hạn chế, đẩy lùi được các mặt xấu, mặt tiêu cực và phát huy được những mặt tích cực, tốt.

Và trên thực tế, thì những hành vi xấu của người sử dụng trên facebook chỉ là một con số hạn chế, một bộ phận nhỏ so với số đông vẫn phát huy mặt tích cực, hiệu quả của mạng xã hội rộng lớn này.

Tôi tôn trọng những ý kiến của độc giả Phạm Quốc Dũng đưa ra. Nhưng chúng ta phải có một cái nhìn toàn diện, tổng quan, chứ không nên nhìn một chiều, chỉ nhắm vào cái tiêu cực để coi đó là đại chúng.

Như tôi đã nói ở trên, không có bất cứ một điều gì, một công cụ nào xấu cả mà nó chỉ xấu khi người sử dụng nó có mục đích xấu. Facebook cũng vậy. Điều quan trọng ở đây là chúng ta ứng xử với nó như thế nào, hay nói cách khác là chúng ta cần phải có những chủ trương, chính sách phù hợp để quản lý nó đạt hiệu quả cao nhất.

Cấm là một cách nhưng ở đây, tôi cho rằng, cấm facebook tại Việt Nam chỉ là một hạ sách và có thể khẳng định, đó là cách tối kị nhất nếu được khuyên dùng.

Tôi hoàn toàn phản đối ý kiến cấm facebook tại Việt Nam của độc giả Phạm Quốc Dũng.

1 comment:

  1. Tôi cảm ơn bạn khi đã viết lên những dòng cảm xúc của công chúng, bạn nói đúng !

    ReplyDelete