2012/10/09

Philippines ngưng Luật tội phạm mạng


BBC
2010/10/09
Biểu ngữ trong chiến dịch chống đạo luật mà người dân Philippines cho là  giới hạn tự do ngôn luận và tự internet
Tòa án Tối cao của Philippines đã ngưng hiệu lực một đạo luật gây tranh cãi nhắm vào tội phạm trên mạng, sau các cuộc biểu tình của những người chỉ trích, theo đó nói luật bóp nghẹt tự do ngôn luận.
Luật mới, có tên là Đạo luật Phòng chống Tội phạm Mạng 2012, có hiệu lực từ đầu tháng này.

Đạo luật nhằm ngăn chặn nạn khiêu dâm trẻ em trực tuyến, đánh cắp danh tính và gửi thư rác, giới chức nói. Các tường thuật nói rằng việc tạm ngưng 120 ngày đang được áp dụng.
Luật cũng quy định tội phỉ báng trên mạng có thể bị trừng phạt đến 12 năm tù.
Tòa án Tối cao ra lệnh cấm tạm thời, nhằm tạm ngưng hiệu lực của đạo luật sau khi có 15 đơn kiến nghị được đệ trình, trong đó đặt câu hỏi về tính hợp pháp của luật.
Chính phủ nói luật nhằm giải quyết "các quan ngại hợp lý" về hành vi tội phạm và thái độ hành xử xấu trên mạng.

Tuy nhiên, những người phản đối nói luật này có thể được dùng để nhắm vào những người chỉ trích chính phủ và để trấn áp tự do ngôn luận.

Theo đạo luật mới, một người bị coi là phạm tội bôi nhọ khi bình luận trên mạng, kể cả bình luận trên các mạng xã hội như Facebook và Twitter hoặc trên các blog và có thể bị phạt tiền hoặc bỏ tù.
Đạo luật này cũng nhằm ngăn chặn tình trạng tình dục mạng (cybersex), được định nghĩa như trò chuyện với nội dung tình dục rõ ràng qua internet - thường liên quan đến "gái webcam", tức các cô gái thực hiện hành vi tình dục trước các webcam cho khách hàng trên internet.

Các quan chức cũng có quyền mới, là quyền lục soát và lấy dữ liệu từ các tài khoản trực tuyến của người dân.

Luật đã khiến nổ ra một số cuộc biểu tình – các nhà hoạt động vô danh đã tấn công các website của chính phủ trong lúc các nhà báo thì tổ chức biểu tình.

Trong một tuyên bố, Giám đốc phụ trách khu vực Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Brad Adams, đã hoan nghênh quyết định của tòa án, nhưng thúc giục "hãy đi xa hơn bằng việc hủy bỏ đạo luật sai sót nghiêm trọng này".

No comments:

Post a Comment