2010/11/10

Nghiên cứu gia Ethan Zuckerman nói về vượt tường lửa và blog No Firewall

Đài Chân Trời Mới
2010/11/08

Internet và quyền tự do thông tin mạng

Đây, chương trình Thế Kỷ Của Chúng Ta, Trúc Linh rất vui được trở lại với các bạn trong chương trình hôm nay.

Các bạn thân mến, trong buổi tổ chức hội thảo Digital Activism do các bạn trẻ Việt Tân thực hiện tại đại học Harvard thuộc thành phố Boston trong các ngày 15-16 tháng 10 vừa qua, Trúc Linh đã được hân hạnh tiếp xúc với ông Ethan Zuckerman, ông hiện đang làm việc cho viện nghiên cứu Berkman đặc trách về lãnh vực Internet và Xã Hội thuộc đại học Harvard. Ông Zuckerman cũng là sáng lập viên của tổ chức Global Voices,  một tổ chức phi chính phủ nhằm hổ trợ cho việc chuyển tải tin tức của người dân từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Trúc Linh xin mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi của Trúc Linh với ông Ethan Zuckerman sau đây.

Trúc Linh: Thưa trước hết, xin ông tự giới thiệu về mình.

EZ: Tôi là Ethan Zuckerman, làm nghiên cứu tại Berkman Center trong lãnh vực Internet và Xã hội thuộc Đại học Havard.  Tôi cũng là một trong những sáng lập viên của Global Voices, là một mạng lưới truyền thông công dân

Trúc Linh: Ông có thể cho chúng tôi biết thêm chút ít về công việc của Berkman Center?

EZ : Được chứ.  Berkman là một trung tâm nghiên cứu, trụ sở tại Harvard.  Chúng tôi hoạt động gần 12 năm nay.  Đây là một đề án khởi đầu của khoa luật để thử nghiên cứu xem internet đã làm thay đổi các vấn đề của luật pháp Hoa Kỳ và quốc tế như thế nào.  Hiện tại đề án đã mở rộng hơn nhiều.  Chúng tôi có các chuyên viên kỹ thuật, xã hội và nhân chủng học.  Và những điều chúng tôi nghiên cứu là Internet đang đi tới đâu và nó ảnh hưởng đến các phần khác của thế giới ra sao.

Chúng tôi nghiên cứu rất nhiều về an ninh mạng, đặc biệt các câu hỏi về kiểm duyệt và sàng lọc internet

Trúc Linh:  Ông vừa đề cập Global Voices.  Ông có thể cho biết thêm về nhóm này?

EZ: Global Voices là một đề án khởi đầu tại Berkman Center khoảng sáu năm về trước.  Và bây giờ là một tổ chức phi chính phủ độc lập.  Global Voices cơ bản là một mạng lưới truyền thông công dân, nghĩa là chúng tôi tường trình những gì mọi người đang bàn tán online – những điều được nói trên blogs, Facebook, những video các nơi như YouTube, các chat room, trên Twitter.  Chúng tôi  tường trình về các cuộc đối thoại xảy ra trên toàn thế giới.

Trúc Linh: Ông đã có một buổi nói chuyện về kiểm duyệt internet tại Digital Activism.  Ông nói về sự kiểm duyệt trên mạng.  Kiểm duyệt trên mạng là gì? 

EZ: Trên 40 quốc gia trên thế giới kiểm soát những gì công dân của họ xem trên mạng bằng cách này hay cách khác.  Tại một số nước việc này có nghĩa là ngăn truy cập vào một số trang mạng.  Tại các nước như Saudi Arabia, chẳng hạn, Saudi chặn các mạng khiêu dâm, rượu chè, các trang họ (chính phủ) cho là chống Hồi giáo.

Các quốc gia khác chặn những trang mạng chính trị mà họ (chính phủ) không thích.  Và điều này xảy ra thậm chí tại các nước tương đối dân chủ.  Nam Hàn chặn nhiều trang mạng ủng hộ Bắc Hàn.  Càng ngày càng có nhiều quốc gia chặn các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, hay Twitter nơi người dùng có thể tự đăng bài hay trao đổi với nhau.

Tại Berkman chúng tôi theo dõi tất cả các loại kiểm duyệt này.  Chúng tôi theo dõi bằng hai cách: làm việc với những người ngay tại quốc gia bị sàng lọc internet và cách khác là kêu gọi mọi người khắp nơi trên thế giới thông báo cho chúng tôi biết khi bị sàng lọc internet.

Trúc Linh: Việc kiểm duyệt mạng tại Việt Nam thì thế nào?

EZ: Việt Nam  ngày càng trở nên thô bạo trong việc kiểm duyệt Internet. Việt Nam kiểm duyệt một số các trang mạng chính trị và các trang của những nhà hoạt động chính trị.  Việt Nam cũng bắt đầu kiểm duyệt các trang mạng xã hội như Facebook.  Và chúng tôi rất quan ngại rằng việc kiểm duyệt tại Việt Nam ngày càng thô bạo.

Đồng thời, Việt Nam thật sự thiếu nhiều trình độ trong việc kiểm duyệt.  So với Trung Quốc  hay ngay cả Iran, sự kiểm duyệt của Việt Nam rất vượt thoát.  Và bạn có thể thấy sự gia tăng người sử dụng Facebook dù rằng cái nền bị ngăn chặn từ trong Việt Nam.

Trúc Linh: Như thế có nghĩa họ đang vượt thoát kiểm duyệt bằng cách nào đó .  Vậy họ đã dùng kỹ thuật gì để vượt kiểm duyệt?

EZ: Vượt kiểm duyệt có nghĩa là dùng môt số kỹ thuật để đi ngỏ khác, không dùng ngỏ bình thuờng để vào các trang mạng mà chính phủ ngăn chặn.  Và cách làm đơn giản nhất là tìm tới một trang mạng khác có đường dẫn tới trang bạn muốn xem.  Thế thì nếu chính phủ của bạn chận Facebook, không cho bạn vào bằng cách bình thuờng của bạn,  bạn có thể vào Facebook qua ngả của  một trang mạng khác .  Và điều đó thật sự rất có hiểu quả.  Những thứ này gọi là Proxy servers.

Tại Việt Nam, trong nhiều trường hợp, thậm chí không cần làm vậy.  Trong Việt Nam, thường là bạn chỉ cần vào phần cấu trúc trang mạng của bạn (network settings) và thay đổi địa chỉ cho DNS server của bạn.  DNS cũng giống như là cuốn sổ điện thoại cho Internet.  Nó chuyển đổi tên miền như facebook.com thành một địa chỉ IP như 192.168… đại khái.  Một cách Việt Nam kiểm duyệt Internet là làm sai lạc hệ thống DNS, làm sai lạc cuốn sổ điện thoại, thành ra khi bạn đánh vào Facebook.com thì DNS server của VN không dẫn bạn tới trang Facebook.  Nếu bạn nói máy vi tính của bạn đừng sử dụng  DNS servers của Việt Nam, hãy dùng DNS servers của một nơi khác, bạn có thể  đi đường vòng tới trang Facebook đó.

Và như thế bạn có thể vào hệ cấu trúc mạng (network settings) của bạn và cho vào DNS server 8.8.8.8 (là DNS server của Google) or 4.2.2.2 là DNS server đặt tại Mỹ, cả hai sẽ đưa bạn đi đường vòng, tránh kiểm duyệt trong thời điểm này.

Trúc Linh: Ông nghĩ bằng cách nào người ta khám phá ra kiến thức này?

EZ: Vâng trứoc hết, không có nhiều người biết ra điều này.  Và đây là điều rất đáng phiền.  Việc mà Việt Nam chận Facebook và thúc đẩy go.vn.  Và tôi nghĩ những gì họ làm là hy vọng rằng mọi người không biết cách vượt tường lửa, và sẽ dùng trang của Việt Nam thay vì vào Facebook.

Những người biết cách vượt thường là học từ bạn bè.  Và những người bạn tìm kỹ thuật giúp vượt tường lửa, họ chia sẻ.  Nhưng có những nguồn hướng dẫn rất hay trên mạng. Nofirewall.net là một trang nhà rất hay với mục tiêu nhắm giúp người dùng internet Việt Nam tìm proxies, tìm các phương cách vượt tường lửa, bảo vệ an ninh mạng, và truy cập được các trang bạn muốn.  Và có rất nhiều nguồn hướng dẫn khác.  Thường thì chỉ cần biết ngôn ngữ sử dụng, biết chữ proxy là một bước rất lớn trong việc học hỏi cách vượt tường lửa.

Trúc Linh: Tất cả những điều này được tìm thấy trên Internet.  Tại sao Internet đặc biệt đến vậy?

EZ: Điểm đặc biệt của Internet là bất cứ người nào cũng có thể phổ biến nội dung lên mạng mà không cần xin phép ai.  Và đó là một thay đổi lớn. Nói chung, nếu bạn có nội dung và muốn phổ biến tới độc giả toàn cầu cách đây hai mươi năm về trước – bạn phải cần một số tiền lớn hoặc bạn cần một công ty mạnh hỗ trợ cho bạn. Ngày nay một cá nhân bình thường có thể làm điều này, ngay cả khi họ phải mượn các quán internet công cộng, để chia sẽ thông tin với cả thế giới và có thể tạo ảnh hường lớn.
Tự do ngôn luận vô cùng quan trọng bất cứ nơi nào trên thế giới qua bất cứ phương tiện gì. Bảo vệ tự do Internet đặc biệt quan trọng vì internet là nơi tạo nền tảng cho tự do ngôn luận. Do đó internet là một nơi xứng đáng cho chúng ta đấu tranh để bảo vệ tự do vào internet.

Các bạn thân mến, các bạn vừa theo dõi cuộc trao đổi của Trúc Linh với ông Zuckerman, qua đó, chúng ta thấy internet là một phương tiện không thể thiếu cho sự tự do thông tin của con người, nhưng ở nhiều quốc gia độc tài, trong đó có cả Việt Nam, internet bị kiểm duyệt hoặc bị ngăn chặn bởi bức tường lửa.

Tuy vậy, những người khao khát tự do thông tin luôn luôn tìm cách vượt qua những rào cản đó để tìm đến sự thật. Một trong hằng ngàn cách vượt rào mà Trúc Linh muốn giới thiệu đến các bạn ngày hôm nay là trang web NoFirewall.net , các bạn vào đó để được hướng dẫn những gì cần thiết cho sự tự do và an toàn cho cá nhân của bạn khi sử dụng internet. Và dĩ nhiên, các bạn cũng có thể liên lạc về cho
Trúc Linh ở địa chỉ lienlac@radiochantroimoi.com.

Trúc Linh xin chúc các bạn một ngày thật vui và hẹn gặp lại trong lần phát thanh tới.

No comments:

Post a Comment