2010/09/13

An ninh điện tử | Sàng Lọc Trang Web (Website Filtering)

Các quốc gia trên thế giới đang áp dụng kỹ thuật sàng lọc Internet.  Việc này cho phép họ ngăn chặn nhiều trang web hoặc một trang web cụ thể trong phạm vi lãnh thổ của mình.  Trong thực tế thì việc này đồng nghĩa với kiểm khảo nội dung đối với Internet. Chuyện sàng lọc này xảy ra hầu hết tại mỗi quốc gia, và thường đối tượng là những thông tin được phân loại trước. Đối tượng thông tin bị phân loại trên Internet để được kiểm khảo bao gồm thông tin về: tôn giáo, chính trị, khiêu dâm, tình dục vị thành niên, nhân quyền, v.v.

Hai phương pháp căn bản để kiểm khảo thông tin quen thuộc là: (1) Tất cả những gì không được phép lưu hành rõ ràng là bị cấm; và (2) Tất cả những gì không bị cấm được phép lưu hành.  Hai cách này thường được đề cập là “sổ đen” và “sổ trắng” và  cách sau cùng là cách nổi trội được dùng ở các cở sở hạ tầng Internet cấp quốc gia. Cuba, Miến Điện và Việt Nam khởi đầu ngăn chặn toàn bộ mạng Internet, và chỉ cho phép công dân truy cập một vài trang web. 

Sự khó khăn khi duy trì “sổ đen” và “sổ trắng” thường khiến công tác này được giao phó lại cho nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), và ISP phải chịu trách nhiệm đối với những nội dung bất hợp pháp mà công dân của một nước truy cập được tại nước đó. Trong hoàn cảnh này, các công ty kinh doanh phần mềm sàng lọc nhân cơ hội thủ lợi.  WebSense, Content Watch và Fortinet chỉ là một vài ví dụ các công ty sản xuất phần mềm sàng lọc nội dung Internet được sử dụng trên các mạng lưới của học đường, công ty thương mại, và của quốc gia. SmartFilter, một sản phẩm của Secure Computing, có thể tự phân loại các đường link URL theo tiết mục như “Phá Thai, Vật Liệu Người Lớn, Giáo Dục, Tin Tức và Truyền Thông, Bất Hợp Pháp, hoặc Nghi Vấn” và v.v.  để người sử dụng có thể gửi vào các URL mà họ truy cập theo từng tiết mục. Sản phẩm này được nhiều chính quyền và các nhà ISP mua để thực hiện chính sách kiểm khảo nội dung Internet.

Các quốc gia thường mở rộng những quy định về truyền thông hiện hay để quản lý ấn phẩm trên Internet.  Bất kỳ ai muốn tạo một trang dân báo (blog) tại một nơi nào đấy có thể, ví dụ, phải ghi danh như một công ty truyền thông theo các luật pháp hiện hành, dù chỉ  quản lý loại truyền thông phát sóng và truyền thông in, cũng được áp dụng đối với môi trường blog.  Trên bề mặt thì có lẽ cách này đơn giản hóa những pháp lý cần thiết để quản lý những ấn phẩm trên mạng, nhưng blog thường chỉ nêu lên ý kiến của một người,  không qua quy trình biên tập và thường được xuất bản bất chấp chuyện server của các website đặt tại nơi nào (tức là luật quản lý nội dung tại một quốc gia) và những điều nhạy cảm tác động đến người đọc. Cho nên dân báo (blog) không tuân theo mô hình truyền thông và báo chí truyền thống.

Nhiều quốc gia hiện nay đang tiến trước các thoả thuận quốc tế về tự do thông tin và ngôn luận, và tự quyết định nội dung nào công dân họ được phép truy cập. Việc này thường được xúc tiến với chiêu bài duy trì ổn định quốc gia, bảo vệ văn hoá, an ninh, và luật pháp. Những cách giải thích này đã và đang được sử dụng rộng rãi để cản ngăn các trang mạng dấn thân vào các vấn đề tự do ngôn luận, tự do chính trị, độc lập thông tin, và nhân quyền. Ví  dụ,  ngày 31 tháng Chạp năm 2002, chính quyền Iran ban hành “Sắc Lệnh Hiến Pháp của Hội Đồng Đương Quyền về việc Quy Định các Trang Websites bị Cấm”(Decree on the Consitution of the Committee in Charge of Determination of Unautorized Websites) khẳng định rằng, “Để bảo vệ văn hoá đạo Hồi và văn hóa quốc gia, một hội đồng gồm đại diện các bộ Thông Tin, Văn Hóa và Hướng Dẫn Hồi Giáo, Phát Sóng Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, Hội Đồng Văn Hoá Cách Mạng, và Tổ Chức Tuyền Truyền Hồi Giáo được thành lập bởi bộ Thông Tin để thẩm định và báo cáo với bộ  Kỷ Thuật  Thông Tin Truyền Thông (Ministry of Information Communications Technology).  Những trang web bị báo cáo đến bộ này đều được cho vào danh sách kiểm duyệt. Tại Singapore các trang web trên Internet bị quản lý và được cấp phép hoạt động bởi Ủy Quyền Phát Sóng Singapore (Singapore Broadcasting Authority) và phải tuân thủ theo các quy định gắt gao của cơ quan này. Những thông tin với nội dung “đồi trụy” từ khiêu dâm đến “những lãnh vực tác hại đến đạo đức công chúng, phồn thịnh chính trị và tôn giáo” phải được quản lý.

Thông thường thì ý định ngăn chặn các trang web từ một chính phủ không được công bố, và danh sách của các trang web bị chặn cũng không được công bố.  Cho nên, các trang mạng Internet bị chặn thường thì không vì vi phạm một điều luật cụ thể, nhưng bị chặn bởi vì các giới chức cho rằng việc truy cập chúng sẽ tác động xấu đến những chính sách mà chính phủ muốn thúc đẩy.  Một ví dụ cổ điển là tại Trung Quốc, nơi mà các ISP bị bắt buộc phải đồng ý “không truyền tải những thông tin có thể làm tổn hại đến những truyền thông tốt đẹp và đạo đức nước Hoa. 1”. Kết quả, Trung Quốc đã triển khai được một hệ thống sàng lọc quy mô và phức tạp nhất thế giới, với hàng nghìn nhân viên ngày đêm rà soát và liệt kê các trang web vào “sổ đen” hay “sổ trắng.”

Thông thường, việc một chính phủ kiểm khảo các trang web không được sự đồng thuận đa số từ công chúng, và có quy trình kiến nghị để gở bỏ các trang web khỏi danh sách bị chặn.  Hậu quả của việc này là người dân tìm các kỹ thuật leo rào để thoát khỏi hệ thống sàng lọc do chính quyền thành lập. Quy trình này thường là yêu cầu  máy điện toán tại một quốc gia khác (không có sự kiểm soát Internet) vào trang web mong muốn để lấy và truyền tải lại nội dung theo yêu cầu.  Từ khía cạnh kỹ thuật, người dùng chỉ truy cập thông tin từ máy tiếp vận chứ không phải từ trang web bị ngăn cấm.

Theo ông John Gilmore, người thành lập ra Electronic Frontier Foundation, thì “Hệ thống Internet xem đường vào các trang web bị kiểm khảo như bị hư hại, và tự tìm đường khác để vòng vào.”

Tóm lại, sàng lọc Internet không những cản trở công việc của những nhà bảo nhân quyền mà  đôi khi còn ngăn cản tin tức về vi phạm nhân quyền lan đến cộng đồng địa phương bạn và cộng đồng quốc tế. Các chính phủ có thể ngăn chặn truy cập đến một trang web tại nước họ, và vì vậy làm tê liệt khả năng truyền tải và cập nhập thông tin của những tổ chức đấu tranh. Bằng cách khác, các chính phủ cũng có thể ngăn cản công dân truy cập những trang web nhất định, và vì vậy hạn chế việc truy cập thông tin, tin tức, và khả năng bày tỏ ý kiến một cách tự do của những nhà bảo vệ nhân quyền.

No comments:

Post a Comment