2010/09/15

Việt Nam hạn chế hoạt động của các quán cà phê Internet

Thụy My - RFI 

Tại Việt Nam, gần đây các quán cà phê Internet không được mở cửa đến quá 11 giờ khuya. Với lý do hạn chế sự lan tràn của các trò chơi bạo lực trên mạng, chính quyền đã dùng biện pháp triệt để là cắt đường truyền của các tiệm net sau 23 giờ. Làm như vậy chính quyền không chỉ nhằm hạn chế các trang web khiêu dâm, bạo lực, mà các blog đối lập cũng bị hạn chế truy cập. Dù sao trên thực tế, người kinh doanh cũng như người sử dụng Internet, thường có cách riêng để đối phó với các nội dung "xấu".  

Tác giả mở đầu bài báo bằng việc mô tả một quán net ở Hà Nội, chủ nhân là anh Đức. Đúng 11 giờ khuya, đường truyền Internet tại đây bị cắt. Để buộc các quán net chấp hành quy định về thời gian hoạt động mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 23 giờ, trong những tuần lễ gần đây, chính quyền Việt Nam đã chọn một biện pháp triệt để. Đó là cúp hẳn đường truyền của các tiệm cà phê Internet vào buổi tối, với lý do hạn chế việc lạm dụng các trò chơi bạo lực trên mạng.
Từ nhiều tháng qua, báo chí chính thức thay nhau đăng tải những câu chuyện đầy bi kịch của những người nghiện chơi game. Khi thì một cậu thiếu niên 16 tuổi đã sát hại chính người ông của mình để lấy tiền chơi game, khi thì về hai thiếu niên tuổi 14 và 15 đã tự tử vì tốn quá nhiều tiền chơi game trên mạng, bị cha mẹ la mắng.

Như thế là chấm dứt những đêm trắng trước màn hình ? Libération trích lời ông Thân Song Toàn, chuyên gia thiết kế game của công ty VNG, doanh nghiệp chủ yếu cung cấp các trò chơi video ở Việt Nam cho biết : « Nếu chủ quán net có đường truyền Internet riêng, buổi tối họ sẽ cho nối mạng tất cả các máy vi tính vào đường dây này ». Đây cũng là mánh lới của anh Đức để có thể mở cửa nói chung là đến nửa đêm. Hà Trang, một nữ sinh 14 tuổi nói : « Các game thủ không thể nào rời cuộc chơi vào một thời điểm chính xác nào đó, nếu không họ có nguy cơ bị tụt hạng. Bọn em biết những địa chỉ tuy đóng cửa lúc 23 giờ, nhưng thật ra bên trong vẫn tiếp tục hoạt động ». Cô bé này rất mê trò chơi Boom, dùng bom để tấn công các quái vật.
Khi nhắm vào các quán cà phê Internet, cuộc chiến chống lại các game bạo lực tỏ ra bế tắc đối với những người chơi game tại nhà, ngày càng đông đảo hơn vì việc thuê bao Internet ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cấm trò chơi Crossfire, trong đó các đối thủ tấn công nhau bằng súng và dao. Nhưng ông Thân Song Toàn nói thêm : « Chính quyền không thể làm gì được đối với các trò chơi có máy chủ đặt ở nước ngoài. Các biện pháp mới dành cho các quán net thì rất nghiêm ngặt ». 

Vào mùa xuân, Hà Nội đã tấn công vào các quán cà phê Internet bằng cách buộc tất cả các máy tính công cộng phải được cài một phần mềm gián điệp. Đây là một cách để theo dõi xem người dùng đã vào những trang web nào. Bị Google và các tổ chức quốc tế lên án trong những tháng gần đây đã hạn chế việc truy cập Internet, chính phủ Việt Nam khẳng định các biện pháp này là để đáp ứng « yêu cầu chỉnh đốn nếp sống ». Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao tuyên bố : « Chúng tôi tìm cách bảo vệ người dân ». 

Nhưng theo Libération, thì ngoài các trang web khiêu dâm và bạo lực, các blog đối lập chính trị cũng bị cấm. Ngay cả mạng xã hội Facebook cũng từng bị chặn trong nhiều ngày. Anh Đức đã cẩn thận đặt tường lửa cho các máy tính trong quán net của mình, nhằm ngăn cản không cho khách hàng truy cập vào các trang web bị cấm. Anh nói : « Tôi không muốn phải đứng ra giải trình về lịch sử truy cập của khách, nếu lỡ có bị công an kiểm tra đột xuất ».

Vấn đề người Rom đang làm hoen ố hình ảnh của nước Pháp
Về thời sự trong nước, các báo Pháp ra ngày hôm nay chú ý đến bất đồng giữa Paris và Bruxelles về vấn đề người du cư Rom, cuộc tranh luận đầy sóng gió ở Quốc hội Pháp trên hồ sơ cải cách chế độ hưu bổng, cũng như các vấn đề kinh tế của nước Pháp.

Nhật báo Le Monde tỏ ra lo ngại trước việc hình ảnh của nước Pháp đang bị hoen ố phần nào trên trường quốc tế, qua hàng loạt vụ trục xuất người Rom gần đây. Các nhà ngoại giao Paris đang rất lúng túng vì vấn đề này ảnh hưởng đến danh thơm của nước Pháp, và khó có thể xuất hiện với tư cách một quốc gia bảo vệ nhân quyền. Hôm qua, thứ ba, Ủy ban châu Âu đã cho biết ý định tiến hành thủ tục trừng phạt Paris, và bà ủy viên phụ trách tư pháp đã không ngần ngại dùng từ « đáng xấu hổ ». Và ngay từ mùa hè, nhiều tiếng nói chỉ trích đã vang lên, từ Đức Giáo hoàng cho đến một số định chế khác nhau của Liên Hiệp Quốc. Lời đả kích mạnh mẽ nhất là từ Fidel Castro, còn Bắc Kinh và Matxcơva cũng đưa ra những nhận xét mỉa mai.

Phản ứng khá vụng về của chính quyền Pháp đối với một số định chế như Ủy ban bài trừ phân biệt chủng tộc của Liên Hiệp Quốc, cộng thêm việc phát hiện thông tư của Bộ Nội vụ nhắm vào người Rom mới đây càng làm cho nhiệm vụ của giới ngoại giao Pháp thêm nặng nề. Họ cố gắng chuyển các cuộc tranh cãi về hồ sơ người Rom sang một hướng khác, đó là vấn đề nhập cư mà cả châu Âu phải cùng chung sức giải quyết. Nhiều nước châu Âu đang lặng lẽ làm công việc trục xuất người nhập cư như chính quyền Pháp đang làm, nhưng ngoại trừ Ý, mà bộ trưởng Bộ Nhập cư thuộc đảng cánh hữu bài ngoại, hiện giờ không có tiếng nói nào cất lên ủng hộ Paris cả.

Cuba : Giảm biên chế, khuyến khích tự tạo công ăn việc làm để đối phó với khủng hoảng
Nhìn sang Cuba, nhật báo cộng sản L’Humanité đã đề cập đến thách thức mà đảo quốc này đang phải đối phó, để duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa theo kiểu Cuba, trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng.

Vào hồi đầu tuần, Cuba đã loan báo quyết định giảm biên chế nửa triệu người trên tổng số ba triệu công nhân viên hiện nay, trong khuôn khổ tiến trình cập nhật mô hình kinh tế thời kỳ 2011-2015. Chính quyền giải thích đây là yêu cầu khẩn thiết thúc đẩy nền kinh tế bằng cách tổ chức lại sản xuất tốt hơn, tăng năng suất và hiệu quả lao động. Một loạt những cải cách được đưa ra nhằm cố gắng vực dậy kinh tế Cuba đang sa sút. Chủ tịch Raul Castro không ngần ngại tuyên bố : « Cần phải xóa bỏ khái niệm Cuba là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể sống không cần lao động », tuy ông cũng nhấn mạnh « Sẽ không có ai bị bỏ rơi cả ».

Theo L’Humanité, chính phủ Cuba cho biết nửa triệu việc làm bị cắt giảm không nằm trong số các dịch vụ công thiết yếu. Nhiều công chức bị giảm biên chế sẽ được định hướng sang các khu vực được xem là ưu tiên như dầu khí, xây dựng, kỹ thuật sinh học, kỹ nghệ dược và du lịch, nhưng đặc biệt là trong nông nghiệp. Việc tự tạo công ăn việc làm được khuyến khích, khoảng nửa triệu giấy phép sẽ được cấp cho lãnh vực dịch vụ như tiệm cắt tóc, taxi, buôn bán nhỏ. Sự tự do hóa nền kinh tế ở cấp độ thấp này, theo chính quyền, không đặt lại nguyên tắc sở hữu nhà nước, mà chỉ để giải phóng sức sản xuất. Về tiền lương, tái xác lập lại nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa, mỗi người được chi trả theo số lượng và chất lượng công việc.

Theo phân tích của nhật báo cộng sản, bị bóp nghẹt vì lệnh cấm vận của Mỹ, bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu, Cuba không còn cách nào khác là phải hiện đại hóa nền kinh tế. Vấn đề hiện nay là người lao động Cuba hờ hững ngay với các các quyết định liên quan đến công việc của mình, bên cạnh đó là năng suất thấp, nạn lãng phí và biển thủ. La Havana cho rằng chủ nghĩa xã hội là một sự chọn lựa đúng đắn, nhưng cần nâng cao chất lượng. Các bài toán khó khác là nạn lão hóa dân số, và hệ thống hai đồng tiền peso chuyển đổi và không chuyển đổi được, khiến cho hố ngăn cách giàu nghèo giữa những gia đình có người thân ở nước ngoài, những người làm dịch vụ có thu đô la cao hơn hẳn so với số đông còn lại.

Chính phủ Nhật can thiệp làm giảm giá đồng yen : Liệu có hiệu quả ?
Cũng trên lãnh vực kinh tế nhưng tại châu Á, nhiều nhật báo Pháp quan tâm đến việc chính phủ Nhật can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm kìm hãm đà tăng giá của đồng yen.
Theo Le Monde, nhiều chuyên gia đang hoài nghi về hiệu quả của quyết định này. Thật ra Tokyo đã hành động tương tự vào khoảng năm 2.000, nhưng bối cảnh hiện nay có khác. Trước đây lượng ngoại tệ trao đổi hàng ngày chỉ có khoảng 1.500 tỉ đô la, còn bây giờ là 4.000 tỉ, liệu một ngân hàng trung ương có thể đơn độc can thiệp hay không ? Nhật Bản đã cố gắng thuyết phục các ngân hàng trung ương Hoa Kỳ và châu Âu tham gia, nhưng các nước này cảm thấy không có lợi lộc gì trong việc kéo giá đồng yen xuống cả. Riêng với Hoa Kỳ, mối ưu tư lớn nhất hiện nay là nâng giá đồng nhân dân tệ hiện chỉ mới tăng ở một mức hầu như không đáng kể. Washington rất muốn Tokyo cùng gây áp lực lên Bắc Kinh, nhất là khi Nhật đang rất lo ngại vì Trung Quốc ồ ạt mua vào trái phiếu chính phủ Nhật, góp phần làm tăng giá đồng yen. Nhưng theo nhận định của Le Monde, khi trực tiếp can thiệp vào thị trường ngoại hối, Nhật đã giúp cho Trung Quốc có một cái cớ để không nâng tiếp giá đồng nhân dân tệ.

Trung Quốc khó có thể biện bạch cho chủ nghĩa bảo hộ
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde trích bình luận của hãng Reuters về chủ nghĩa bảo hộ của nước này, với chủ trương các cơ quan nhà nước phải dùng hàng sản xuất trong nước. Nếu trước đây chỉ là các sản phẩm cấp thấp, thì nay các công ty nước ngoài đang rất lo ngại vì đến lượt các lãnh vực khác như tàu cao tốc, kỹ thuật bảo vệ môi trường…cũng bị đụng chạm. Chính sách hướng đầu tư nước ngoài đầu tư vào các sản phẩm có giá trị tăng cao, đành rằng có thể hiểu được, nhưng đang có nguy cơ quay ngược lại làm thiệt hại cho Trung Quốc, vì các đối tác sẽ phải tìm cách đối phó. Chẳng hạn Hoa Kỳ đang chuẩn bị đánh thuế lên một loạt các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và việc thặng dư thương mại của Hoa Kỳ lên đến trên 20 tỉ đô la trong ba tháng liên tiếp, rõ ràng không biện hộ được cho chính sách bảo hộ của Bắc Kinh.


http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100916-viet-nam-han-che-hoat-dong-cua-cac-quan-ca-phe-internet

No comments:

Post a Comment