2010/09/13

An ninh điện tử | Biến chuyển pháp lý về sự riêng tư trên Internet và quyền tự do ngôn luậ ảnh hưởng gì đến sự an toàn của các nhà Đấu Tranh Nhân Quyền?

Phần này sẽ bàn đến những yếu tố pháp lý làm giảm đi sự chính đáng và tầm quan trọng trong các công việc mà các nhà bảo vệ nhân quyền (human rights defenders) làm, khi áp dụng vào trong thế giới ảo và kỹ thuật liên hệ.  Chúng ta sẽ chú trọng đến các đạo luật có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến an ninh và an toàn của những nhà đấu tranh  bảo vệ nhân quyền.

Internet đã và và đang là một môi trường mới để trao đổi thông tin và kiến thức. Đại đa số các chính phủ trên thế giới biết được tiềm năng xã hội và kinh tế của nó.  Nhưng trong khi hầu hết các chính phủ đã mạnh dạn dựa vào Internet để phát huy kinh tế, một vài chính phủ lại e dè, sợ sệt vì tầm ảnh ưởng của Internet có thể tác động đến sự ổn định và tồn vong của chính quyền đang cai trị.  Bởi vì Internet vượt qua được những biên giới hành chính và địa lý thật dễ dàng và nhanh chóng chưa từng thấy.  Nó cung cấp một phương pháp tiên phong mà qua đó tiếng nói của một người có thể đến tai tất cả những ai được kết nối cùng lúc. Không như trên các phương tiện thông tin truyền thống-khi thông tin có thể được trích nguồn, chia phân, biên tập, hay rút ngắn-thông tin trên Internet được chính bạn đọc, người xem tự chọn theo ý muốn. Cho nên người sử dụng không bị ảnh hưởng bởi các tuyên truyền chính trị, tin nóng về các nhân vật công chúng, hay thông tin thể thao tổng hợp, trừ khi người sử dụng muốn vậy.  Vì thế bạn đừng ngạc nhiên rằng Internet đã tạo ra nhiều rắc rối ở những quốc gia nào muốn kiểm soát tự do chính trị, xã hội và tôn giáo.

Nguyên tắc hoạt động công khai của Internet là để thi hành theo bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights), đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, và lập hội (Điều 19). Trong bản báo cáo gởi đến Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền ngày 20 tháng Giệng, 1999, Đặc Trách Viên về việc bảo vệ và quảng bá tự do ý kiến và ngôn luận là Abid Husseid nhận xét, “trong khi rất cá biệt vì tầm thẩm thấu và cách ứng dụng, Internet đơn thuần là một phương tiện truyền thông mới. Vì thế, bất cứ hành vi hạn chế hoặc quản lý nào cũng là vi phạm những quyền được đề ra trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đặc biệt là Điều 19.”   Ông lý giải thêm rằng:

“Về những ảnh hưởng của các công nghệ truyền thông mới, Đặc Trách Viên cho rằng đây là điều rất quan trọng để các kỹ nghệ truyền thông mới này được bảo vệ bởi các tiểu chuẩn quốc tế như những phương tiện truyền thống, và không bị bất cứ một phương pháp nào cản trở nhằm gây tổn hại đến tự do ngôn luận và thông tin; trong trường hợp phải phân vân trước một quyết định, quyết định ấy nên nghiêng về phía tự do ngôn luận và tự do trao đổi thông tin.  Riêng về Internet, Đặc Trách Viện xin nhấn mạnh rằng những biểu lộ, trao đổi trên mạng nên được dìu dắt bởi các tiêu chuẩn quốc tế và phải được bảo vệ như bất cứ phương tiện thông tin truyền thống nào.

Sự tăng trưởng của kỹ nghệ truyền thông Internet (Internet Communication Technologies) cũng đã và đang khiến cho nhiều khúc mắc về riêng tư thêm rõ nét.  Khi chúng ta chuyển sang thế giới điện tử (digital world) để truyền thông, chúng ta phải đối phó với những mưu lược thu thập, giải mã, phân tích, và quản lý các nhu liệu này bởi những chính phủ và công ty kinh doanh.  Nhu liệu này bao gồm luôn những dữ kiện về các trang mạng chúng ta vào, những điện thư, các nơi đến trong những chuyến du lịch, tài chính cá nhân và hồ sơ bệnh án, thành viên của các phong trào chính trị hoặc xã hội, liên hệ với các tổ chức tôn giáo, vân vân.  Tất nhiên việc quyền riêng tư bị xâm phạm không có gì là mới lạ, nhưng nên nhớ rằng việc sử dụng những kỹ thuật thời đại và những chức năng giám sát căn bản của chúng đồng nghĩa với nguy cơ quyền riêng tư của ta bị xâm phạm ngày càng gia tăng.  Ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng đã trở thành nạn nhân của các vấn đề này.  Ví dụ tại Hội Nghị Quốc Tế Thượng Đỉnh về Kỹ Thuật Truyền Thông lần thứ nhất  (First World Summit on Information Technology) năm 2003, tất cả tham dự viên được trang bị thẻ nhận dạng danh tính. Bên trong các thẻ ấy, một thẻ nhu liệu (chip) phát ra sóng điện từ như của đài radio được cài sẵn.  Qua thẻ nhu liệu đó, người ta có thể đã thâu lại tất cả cử chỉ, liên lạc của tất cả tham dự viên trong khi Hội Nghị Thượng Đỉnh diễn ra điều mà các tham dự viên không hề hay biết! 

Hai cuộc khủng bố ngảy 11 tháng 9 năm 2001 ở Hoa Kỳ đã gây ảnh hưởng xấu lên các đạo luật về quyền riêng tư, vì chúng khiến những quốc gia nào chưa  (ngay cả chưa bàn đến) có những biện pháp giám sát thông tin truyền thông cũng phải làm vậy. Tháng Mười năm 2001, Hạ Viện Mỹ phê chuẩn “Đạo Luật để Cung Cấp Những Phương Tiện Cần Thiết nhằm Đánh Chặn và Ngăn Cản Khủng Bố” (Act to Provide Appropriate Tools to Required to Intercept and Obstruct Terrorism, hay còn gọi nôm na là “the USA-Patriot Act ). Đạo luật này cho phép Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) lắp đặt một hệ thống giám sát Internet, với tên DCS 1000 (hoặc nôm na là CARNIVORE), ở tất cả trạm cung cấp dịch vụ Internet cấp quốc gia. 

Năm 2003, Quốc Hội Hoa Kỳ bãi bỏ việc phải xin giấy phép từ toà án (warrants) trước khi các toán điều tra công quyền truy tìm dữ liệu về người xử dụng Internet, hoặc khi họ truy cập các trang mạng để lấy tin. Ref.  Sau đó, bộ trưởng tư pháp là ông Aschcroft đã cho phép cơ quan FBI mọi quyền hạn cần thiết để xúc tiến việc giám sát trực tuyến để thu thập thông tin về người sử dụng Internet, dù họ chưa bị tình nghi hoặc không liên quan gì đến các cuộc điều tra công vụ.  Lúc đầu, đạo luật nêu trên được dự tính tồn tại tạm thời, nhưng đạo luật đó đã trở thành vĩnh viễn sau những cuộc khủng bố bằng bom ở London, Anh Quốc xảy ra vào tháng Bảy, 2005.

Sau những cuộc tấn công ở Bali năm 2003, chính quyền Úc Đại Lợi đã ban hành nhiều đạo luật để bắt buộc tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISPs) phải tích trữ và giám sát dữ liệu truyền tải qua server của họ, và đồng thời khuyến khích bạn dùng chia sẻ khoá mã hoá (encryption key) cũng như tham gia vào dự án giám sát ECHELON do Hoa Kỳ điều khiển.

Sau đó, chính quyền Úc cũng cho phép các cơ quan công quyền chặn bắt và đọc điện thư, tin nhắn dạng ngắn (SMS, như trên Twitter) và tin nhắn miệng mà không cần giấp phép của toà án, với lý giải rằng những thông tin này thuộc loại “lưu trữ” chứ không phải là loại thông tin sống (real-time)!

Colombia và Zimbabwe và nhiều nước khác đã hợp thức hoá chuyện chặn đầu và nghe lén những trao đổi thông tin tư mà không cần toà án chấp thuận ; Ấn Độ đã ban hành Đạo Luật Chống Khủng Bố (Prevention of Terrorism Act) nhằm cho phép cảnh sát quyền truy tìm những trao đổi thông tin trên Internet; Jordan đã sửa lại bộ luật hình sự bao gồm Điều 150 là “xử tù” bất cứ ai  “lưu hành, phát ngôn, hay hành động nhằm đả kích đoàn kết quốc gia, kích động xung đột, truyền đạt hận thù, kích động kỳ thị chủng tộc, quảng bá tin đồn ngụy tạo, kích động bạo lực, tham gia và tổ chức các cuộc nhóm hội họp bị luật pháp ngăn cấm.” ; Quốc Hội Hoà Lan đã đồng ý với dự luật cho phép công tố viên chính phủ đòi hỏi nhu liệu liên quan đến vi phạm giao thông từ các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông công cộng và đồng thời đã thông qua sắc lệnh cá biệt cho phép cơ quan công quyền nghe lén những trao đổi giữa luật sư và thân chủ của họ. Còn Singapore thì đã tu bổ Đạo Luật về Lạm Dụng Điện toán (Computer Misuse Act) để cho phép các cơ quan công quyền nước này xúc tiến những biện pháp chống lại những đối tượng mà theo những “thông tin đáng tin cậy” là những kẻ bị tình nghi tấn công (hack) vào những trang mạng chứa đựng thông tin nhạy cảm. Những hình thức pháp lý này là để gia tăng khả năng giám sát và thu thập thông tin cá nhân của chính phủ với chiêu bài chống khủng bố. Điều quan trọng là những đạo luật này bao gồm những cách hoạt động của các cơ quan tình báo mà luật pháp không bao quát, như nghe lén, chặn điện thư, hay là trộm thông tin từ máy điện toán cá nhân. Ví dụ, vào Tháng Ba năm 2006, chính quyền của tổng thống Bush bị phát hiện cài đặt hàng nghìn dụng cụ nghe lén tại những đường điện thoại tư mà không xin phép quốc hội. Lời biện minh cho việc làm này là “quyền Tổng Thống” và sự an ninh cần thiết quan trọng hơn nhu cầu hoạt động trong vòng pháp luật!

Chuyện lạm dụng quyền lực, khi được củng cố bởi các thay đổi pháp lý, thường xảy ra ở các nước không có nền luật pháp công bằng và không có những tổ chức điều phối độc lập.  Đa số công dân các nước này biết rõ nhu cầu chống khủng bố, tuy nhiên họ dâng nạp những quyền cá nhân và những quyền riêng tư, bảo mật mà không nghĩ đến hậu quả sâu xa. Xin trích dẫn một nhận xét chung về quyền riêng tư của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tức tổ chức được ủy nhiệm giải thích trách nhiệm cấp quốc gia của những quốc gia ký vào Công Pháp Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (International Covenant on Civil and Political Rights):

“Khi tất cả công dân sống trong xã hội, sự bảo vệ quyền riêng tư là điều cần thiết tương đối. Tuy nhiên, các cơ quan công quyền chỉ nên đòi hỏi những thông tin liên quan đến quyền riêng tư khi nào những thông tin ấy nằm trong quyền lợi xã hội, như được hiểu trong bản Công Pháp. […]  Ngay cả khi những can thiệp vào quyền riêng tư phù hợp với Công Pháp, một bộ luật phù hợp phải ghi rõ thật tỉ mỉ phạm vi của bộ luật và những can thiệp cụ thể nào được cho phép. Khi một quyết định được ban hành để can thiệp thì quyết định ấy phải xuất phát từ cơ quan công quyền được bộ luật kia ủy nhiệm, hoặc được ủy nhiệm theo từng trường hợp.  […]  Thông tin lấy được từ mỗi lần can thiệp phải được bảo mật. Ngoài những trường hợp này, những sự giám sát, theo dõi và nghe lén qua phương tiện điện tử, điện từ hay những phương pháp giao tế khác phải tuyệt đối bị cấm."

Các chính phủ của Bangladesh, Pakistan, Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác đã và đang cho phép các cơ quan chính phủ quyền xâm phạm mọi thông tin trao đổi trên Internet và thư điện tử. Các công ty cổ phần Internet đa quốc gia đang làm ngơ với những tiêu chuẩn quốc tề về quyền riêng tư. Họ hợp tác với các chính phủ này trong việc cung cấp thông tin cá nhân của những khách hàng lưu ở các server.  Chuyện phủ định quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận đang trở thành một xu hướng chung tại nhiều nơi trên toàn cầu.  Các phương tiện kỹ thuật đang góp phần vào khả năng giám sát mỗi cá nhân-cho dù ở trên đường phố hay trên Internet. Xin bạn hãy thật thận trọng!

No comments:

Post a Comment