2013/10/03
BBT Nofirewall: Những hành vi đàn áp và hạn chế tự do internet của chính quyền Hà Nội đã đưa Việt Nam vào cùng hàng ngũ với những quốc gia tồi tề về tự do Internet như Trung Quốc, Iran, Bahrain, Pakistan. Đây là những quốc gia bị mang tiếng và bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ và . Chúng ta không thể nhìn thấy Việt Nam tiếp tục trong danh sách này.
Xanh lá cây: tự do. Vàng: Tự do môt phần. Xanh dương: Không có tự do |
Theo khảo sát về Tự do Internet 2013 do tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ vừa công bố hôm nay, Việt Nam bị xếp vào các nước hoàn toàn không có tự do Internet.
Ở khu vực Châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về tình trạng kiểm duyệt internet, trấn áp, và bắt bớ các cư dân mạng. Phúc trình của Freedom House nói ngoài việc mở rộng kiểm duyệt net, chính phủ Việt Nam còn áp dụng nhiều biện pháp để quản lý và định hướng dư luận quần chúng trên mạng.
Trong năm năm qua, theo kết quả khảo, Việt Nam không ngừng bắt bớ, thẩm vấn, bỏ tù, tấn công những người viết blog hay các ký giả trên mạng, và xu hướng đàn áp mạnh tay này càng ngày càng leo thang.
Bà Madeline Earp, chuyên gia phân tích nghiên cứu về tự do internet khu vực Châu Á thuộc Freedom House, phát biểu với VOA Việt ngữ:
“Tình hình tự do internet tại Việt Nam hiện nay hết sức đáng quan ngại. Thứ nhất, số blogger bị bắt bớ gia tăng hằng năm. Thứ hai, Nghị định 72 về Quản lý internet vừa ban hành chứng tỏ nhà nước không ngừng tìm mọi cách tiếp tục siết chặt kiểm soát internet. Thứ ba, nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận có thuê mướn một lực lượng hùng hậu các dư luận viên trên mạng trong nỗ lực thao túng và định hướng các nội dung trao đổi thông tin trên mạng. Việt Nam không chỉ đứng hạng nhì trong số các nước Châu Á đàn áp internet mạnh nhất theo xếp hạng của Freedom House, mà còn đứng thứ hai trong số các nước bỏ tù nhiều blogger nhất trên danh sách xếp hạng do các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác thực hiện. Chỉ đứng sau quốc gia có dân số khổng lồ như Trung Quốc trong các lĩnh vực này thì quả thật tình trạng tự do internet của Việt Nam rất đáng quan tâm.”
Bà Earp cho hay điều gây chú ý nhất đối với các nhà phân tích khi thực hiện cuộc khảo sát này là con số những người dùng net tại Việt Nam bị chính quyền sách nhiễu hay giam cầm.
Khảo sát về Tự do Internet của Freedom House được thực hiện ở 60 quốc gia trên thế giới.
Các phạm vi được đánh giá bao gồm những rào cản ngăn trở người dùng net, các hình thức giới hạn nội dung truy cập như kiểm duyệt, khóa chặn, và các hình thức vi phạm quyền của người sử dụng mạng bao gồm xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, theo dõi, tấn công, sách nhiễu hoặc bắt bớ. Trong tất cả các lĩnh vực này, Việt Nam đều có số điểm rất thấp.
So với kết quả khảo sát tương tự của Freedom House năm trước, thứ hạng của Việt Nam trong bảng Tự do Internet 2013 đã bị tuột dốc.
Chuyên gia của Freedom House nói tổ chức này lo rằng trong thời gian tới, xu hướng đàn áp internet tại Việt Nam sẽ còn tệ hơn khi mà Nghị định 72 chính thức được thực thi, công an Việt Nam càng được tạo điều kiện để kèm kẹp quyền tự do internet của công dân và bắt bớ thêm những công dân mạng thể hiện quan điểm trái với nhà nước hay chỉ trích chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn theo bà Madeline Earp, một tín hiệu khả quan là cộng đồng cư dân mạng Việt Nam đã chứng tỏ nỗ lực phản kháng sự cản trở và kiểm duyệt của nhà nước, đặc biệt là phản đối Nghị định 72.
Ghi nhận nỗ lực đó, Freedom House kêu gọi quốc tế hỗ trợ người sử dụng net tại Việt Nam, tăng áp lực thúc đẩy Hà Nội tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do internet.
Bà Madeline Earp: “Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế lưu ý hơn tới tình trạng của các blogger ở Việt Nam đang bị giam cầm với các án tù dài hạn chỉ vì họ thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng, thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do internet. Chúng ta đừng quên những người này.”
Theo khảo sát của Tổ chức Phóng viên Không biên giới, trong năm 2013 này, Việt Nam đã thế chỗ Iran trở thành nhà tù lớn thứ hai trên thế giới giam cầm các cư dân mạng, sau Trung Quốc.
Trong nửa đầu năm nay đã có 35 blogger bị bỏ tù tại Việt Nam với các bản án lên tới 13 năm.
tự do hay là bị giám sát mà không biết?
ReplyDelete