BBC
2013/08/14
Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ Internet không chỉ gây tranh cãi tại Việt Nam mà còn thu hút sự chú ý của báo giới nước ngoài. BBC Việt Ngữ điểm một vài bài báo nước ngoài bình luận về Nghị định này.
The Economist
Tạp chí The Economist đăng bài với tựa đề Bấm "Việt Nam and the Internet: The audacity of repression" ("Việt Nam và mạng internet: Sự đàn áp táo bạo") nhắc tới việc chính phủ Việt Nam sẽ bắt đầu từ tháng Chín áp dụng những quy định mới giới hạn việc sử dụng các blog và mạng xã hội chỉ để trao đổi "thông tin cá nhân" mà thôi.
Bài báo trích dẫn một trong những quy định của Nghị định này cấm "Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc" và bình luận "Đây là một điều khoản tóm gọn ngoạn mục".
"Nghị định cũng đòi hỏi các công ty khổng lồ như Google và Facebook phải đặt ít nhất một máy chủ (server) tại Việt Nam, mà có lẽ là khiến chính phủ có thể kiểm soát nhiều hơn nội dung của họ," bài báo viết.
Vẫn theo bài báo này thì "đây là một đòn trong cuộc chiến của nhà nước Việt Nam chống lại bất đồng".
Tác giả bài báo dẫn số liệu của tổ chức nhân quyền Human Right Watch cho thấy số bloggers và các nhà chỉ trích bị bắt chỉ trong sáu tháng đầu năm 2013 đã vượt con số của cả năm 2012 và bình thêm rằng "Nghị định 72 này sẽ cho phép nhà nước thêm một công cụ pháp lý đầy quyền lực khác nữa cho việc đàn áp".
"Đây là một bằng chứng nữa, nếu cần có bằng chứng, rằng chính phủ Việt Nam đang có đường hướng tai hại, khác hẳn với các nước khác trong vùng như Miến Điện, Malaysia và thậm chí nước láng giềng Campuchia", The Economist viết, và nói tới "quan ngại sâu sắc" của Tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam trước Nghị định này.
Asia Sentinel
"Khó có một ví dụ nào tốt hơn về việc làm rối beng lên như thế này bằng Nghị định 72 của Thủ tướng về quản lý internet, với 46 điều, dài 21 trang - một nghị định đang bị truyền thông phương Tây lên án."
Tương tự, bài báo về chủ đề "Vietnam's New Internet Decree" (Nghị định mới về internet của Việt Nam") của tác giả David Brown với tựa đề "Bấm Who's Afraid of the Big Bad Wolf" (tạm dịch: "Ai sợ sói lớn độc ác") đăng trên trang Asia Sentinel cũng mở đầu bằng quan ngại của các tổ chức như Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo, tổ chức Phóng viên Không biên giới và của Tòa đại sứ Mỹ ở Hà nội về Nghị định 72 này.
Bài báo lưu ý tới một vài dòng trong điều 20 của nghị định này, theo đó cấm các bloggers hay người dân cung cấp tin tổng hợp trên Facebook hay các mạng xã hội khác.
"Điều rắc rối là có lẽ đó không phải chủ ý của giới chức Việt Nam - mà kể cả đó là chủ ý của họ đi chăng nữa - thì ngăn chặn người dân đã thành thạo internet không đăng lại hay đặt đường kết nối tới các bản tin gần như chắc chắn là điều nằm ngoài khả năng của họ," tác giả David Brown bình luận.
Tác giả viết tiếp: "Việc tìm kiếm 'một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa' dẫn tới tình trạng rối ren các điều luật, vốn cố gắng nặn ra các nguyên tắc và luật lệ sao cho phù hợp với một nền kinh tế đang phát triển và thế giới quan đang mở rộng về những gì còn rơi rớt lại của chủ nghĩa Marxist-Leninist.
Bộ Thông tin nói động cơ chính của việc sửa đổi quản lý internet là để thắt chặt bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Nhìn chung tác giả cho rằng không có nhiều nội dung mới trong Nghị định 72 mà phần lớn là sắp xếp lại một quy định từ năm 2008 nhưng tìm cách nâng nguyên tắc quản lý truyền thông công cộng lên một mức mới, với tương tác trên internet và sự xuất hiện của mạng xã hội.
Tuy nhiên tác giả lưu ý tới ba "yếu tố thực sự mới và có vấn đề" của Nghị định này. Một trong số đó là việc tìm cách phân biệt các loại "trang thông tin điện tử" và chính đây là điều đã gây tức giận về những gì không thể hay có thể được đăng tải hợp pháp trên một trang blog hay Facebook.
Một điểm mới khác trong số này "mà Bộ Thông tin nói là động cơ chính cho việc sửa đổi các quy định quản lý internet, đó là Việt Nam cần thắt chặt bảo vệ sở hữu trí tuệ".
Theo tác giả David Brown thì về nguyên tắc Bộ Thông tin Việt Nam hoàn toàn đúng vì trên mạng hay ngoài mạng báo chí Việt Nam in lại bất cứ những gì họ thấy thích hợp, dù là nội dung của trong nước hay nước ngoài, đôi khi có trích nguồn, đôi khi không.
"Trước mắt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một 'thỏa thuận thương mại của thế kỷ thứ 21' mà Hoa Kỳ đang thúc đẩy. Hà Nội tha thiết muốn được tham gia nhưng một phần lệ phí tham gia là cam kết bảo vệ sở hữu trí tuệ của đối tác kia."
"Đó quả là một đòi hỏi khó khăn. Đặc biệt trong thực tế internet tại Việt Nam, nhà chức trách Việt Nam không có khả năng giám sát để bảo đảm các trích dẫn là đầy đủ và chính xác chứ chưa nói gì tới chuyện truy tìm những trường hợp không tôn trọng bản quyền," tác giả viết.
Bài báo nhìn nhận nhiều yêu cầu đề ra trong nghị định mới này cũng làm nảy sinh những khó khăn không khác gì so với thông tư năm 2008 và "đó là một vấn đề phổ biến với các luật và chỉ thị của Việt Nam: chúng thường là những tuyên bố về nguyên tắc mà nhìn chung không thể thi hành được".
Việc thực thi các quy định này "là một cơn ác mộng về hậu cần", theo tờ Washington Post
Một thực tế là sau quy định năm 2008, hầu hết các blog hàng đầu của Việt Nam đã chuyển sang các trang được đặt ở nước ngoài như WordPress hay Blogspot và như vậy vượt ra ngoài tầm kiểm soát của luật Việt Nam nhưng vẫn tới được với độc giả người Việt.
Bài báo kết luận "cuối cùng thì cũng giống như nhiều luật và nghị định khác của Việt Nam, các điều khoản của Nghị định 72 gây nhiều tranh cãi này dường như có tính khích lệ, được thúc đẩy bởi lý tưởng và không thể thực thi một cách có hệ thống".
The Washington Post
Trong khi đó một bài báo khác trên tờ Washington Post, mang tiêu đề "Bấm From the U.K. to Vietnam, Internet censorship on the rise globally" (Từ Anh Quốc tới Việt Nam, kiểm duyệt internet gia tăng toàn cầu"), tác giả Caitlin Dewey viết, theo phân tích từ tổ chức Freedom House, "Việt Nam không phải là nước duy nhất thực hiện đàn áp mạng, và thậm chí các biện pháp của họ cũng không phải là đặc biệt cứng rắn" và kiểm duyệt internet đang gia tăng trên thế giới và các nước độc đảng như Việt Nam không phải là cac nước duy nhất có luật định về những gì có thể đăng trên mạng.
Mặc dù trong bối cảnh đó, tác giả cho rằng Nghị định 72 của Việt Nam "dường như đang tụt xuống một mức tồi tệ mới".
"Việt Nam không phải là Bắc Hàn - sau cùng thì nước này nằm trong Tổ chức Thương mại thế giới và hơn một phần ba dân số sử dụng internet - nhưng đây vẫn là một trong những nước cộng sản cuối cùng trên thế giới và một trong những quốc gia có các quy định truyền thông cứng rắn nhất," bài báo viết.
Mặc dù luật mới này là một tin xấu cho các blogger và những người tương tự, tác giả cho rằng "cho tới khi chúng ta biết chắc chắn là chính phủ sẽ thực thi quy định mới này như thế nào thì có lẽ vẫn còn một chút hy vọng: không giống các công cụ chặn lọc hoạt động ở cấp nhà cung cấp dịch vụ và cấp giấy phép mạng, vốn nhắm vào các trang là mục tiêu cụ thể, thì việc sàng lọc những gì mơ hồ như "thông tin phi cá nhân" sẽ là một cơn ác mộng về mặt hậu cần và có lẽ đòi hỏi việc kiểm duyệt phải do con người thực hiện để rà soát các mạng xã hội.
"Ít nhất thì dường như vẫn có khả năng trốn tránh được," bài báo viết.
dich vu thiet ke web | thiet ke web gia re o tphcm | thiet ke web cho cong ty
ReplyDelete