2013/07/29

10 Bước An Ninh cho Smartphone của bạn

Ban Biên Tập No Firewall
2013/07/29

Trong chiến dịch "Đừng để mobile phone của bạn làm hại bạn" BBT No Firewall đã trình bày điện thoại di động để lộ tông tích của bạn ra sao; bạn đã đo lường rủi ro của bạn; bạn có thể dùng hai dứng dụng Gibberbot và ChatSecure để mã hóa Facebook chat, Google Talk trên ĐTDĐ. Chiến dịch chấm dứt với 10 điều cần thiết nhất bạn cần lưu ý đến để bảo vệ smartphone và dữ kiện cá nhân của bạn. 

1. Lập mã PIN và mật khẩu.

Lập mã PIN (mã số định danh cá nhân) hoặc mật khẩu để ngăn ngừa việc sử dụng smartphone trái phép nếu bị mất hay bị đánh cắp. Cấu hình điện thoại tự động khóa lại nếu không dùng trong vòng một thời gian ngắn.

2. Đừng thay đổi các cấu hình an ninh.

Đừng thay đổi các cấu hình an ninh mặc định trong máy. Nếu thay đổi, hoặc jailbreaking hay rooting máy sẽ làm tăng xác suất điện thoại bị xâm nhập hơn.

3. Sao lưu và bảo vệ dữ kiện, thông tin.

Nên sao lưu các dữ kiện trên điện thoại như danh sách liên lạc, tài liệu, hình ảnh. Có thể giữ chúng trên máy vi tính, trên thẻ nhớ USB, hay trên mây (cloud) để có thể phục hồi trong trường hợp máy bị hỏng, bị mất, bị đánh cắp.

4. Chỉ cài đặt ứng dụng từ nguồn tin tưởng.

Trước khi tải và cài đặt một app (ứng dụng) vào smartphone, điều nghiên xem ứng dụng có chính đáng không bằng cách xem các lời phê bình, so sánh với thông tin trên trang web của ứng dụng đó. Ứng dụng đến từ những nguồn không tin tưởng có thể chứa mã độc để đánh cắp thông tin, cài vi-rút vào máy.

5. Hiểu rõ các cấp phép của ứng dụng trước khi chấp thuận.

Trước khi cài đặt ứng dụng nào đó, cần xem lại cho rõ các cấp phép mà ứng dụng muốn có, thí dụ như ứng dụng đòi được phép truy cập vào chi tiết cá nhân hay các chức năng nào khác. Cần xem xét các cấu hình về quyền riêng tư của ứng dụng đó.

6. Nên cài đặt ứng dụng an ninh cho phép phát hiện vị trí từ xa và có chức năng xóa.

Trong trường hợp bị mất, bị đánh cắp điện thoại, các loại ứng dụng an ninh này giúp bạn phát hiện vị trí của điện thoại để tìm cách phục hồi lại. Khả năng xóa sạch dữ kiện từ xa giúp thông tin không bị lọt vào tay kẻ gian.

7. Tự động cập nhật phần mềm của smartphone.

Nên để mặc định việc tự động cập nhật phần mềm hệ điều hành của smartphone. Khi giữ cho hệ điều hành được cập nhật thường xuyên sẽ làm giảm sác suất kẻ gian xâm nhập vào thiết bị điện thoại.

8. Cẩn thận với mạng Wi-Fi mở rộng tại những nơi công cộng.

Khi điện thoại truy cập vào một mạng Wi-Fi mở rộng cho công chúng sử dụng ở những nơi công cộng như quán cà phê, hàng quán, trường học, thư viện, phi trường, v.v.. thông tin cá nhân như tên đăng nhập & mật khẩu có thể bị đánh cắp; tin tặc có thể nhắm tấn công vào máy. Vào mạng qua đường dây điện thoại riêng hoặc qua các mạng Wi-Fi từ nguồn tin tưởng và có mật khẩu bảo vệ.

9. Xóa sạch dữ kiện trước khi bỏ máy.

Trước khi cho hay bán máy điện thoại, cần tẩy xóa sạch các dữ kiện thông tin cá nhân như danh sách điện thoại, hình ảnh, tài liệu, v.v... Phục hồi điện thoại trở lại trạng thái nguyên thủy như lúc rời hãng sản xuất (factory settings)

10. Mã hóa dữ kiện.

Nếu điện thoại có chức năng mã hóa dữ kiện thì nên mở lên. Khi dữ kiện, thông tin cá nhân trong máy điện thoại được mã hóa thì bạn sẽ giảm bớt lo ngại khi điện thoại bị mất, bị đánh cắp. Dùng mật khẩu mã hóa cho cứng cáp sẽ tăng cường độ bảo mật cho dữ kiện.

1 comment:

  1. hãy cài đặt 1 pm diệt virus bảo vệ, ví dụ BKAV, KAS...

    ReplyDelete