2013/05/16

Công ty VN 'thách thức' Google

BBC
2013/05/15
Cốc Cốc thu nhận hỗ trợ và nhân lực từ Nga
Một công ty Việt Nam, có hỗ trợ của Nga, bày tỏ tham vọng sẽ “vượt mặt” trang tìm kiếm Google tại Việt Nam. Cốc Cốc, một công cụ tìm kiếm vừa ra mắt gần đây, là sản phẩm của ba lập trình viên Việt Nam tốt nghiệp tại Moscow, Nga.

Trước đây đã từng có một số công ty Việt Nam “tuyên chiến” với Google, nhưng không thành công.
Lần này, Cốc Cốc có vẻ tin rằng họ sẽ tạo ra dấu ấn khác, mà một nguyên do là họ "không thiếu tiền".

Theo hãng tin AP, đến nay công ty này, đặt văn phòng ở Hà Nội, đã bỏ ra 10 triệu đôla, thuê 300 nhân viên, trong đó có 30 người nước ngoài, chủ yếu là Nga.
Công ty nói họ sẽ đầu tư 100 triệu đôla trong năm năm tới để tìm cách chinh phục 97% người lướt web ở Việt Nam hiện đang dùng Google.
 
Chuyên gia Nga

Cốc Cốc từ chối tiết lộ với AP tên các nhà đầu tư. Nhưng theo truyền thông Việt Nam, công ty này nhận được “hỗ trợ” từ các công ty lớn của Nga như quỹ DST, trang tìm kiếm Yandex và Mail.ru.
Mikhail Kostin, trưởng nhóm tìm kiếm tại Cốc Cốc, giống như nhiều nhân viên khác tại công ty này, đã từng làm tại Mail.ru, công ty internet lớn nhất của Nga.

“Sau khi sống ở đây một năm, tôi hiểu ngôn ngữ và thị trường sâu sắc hơn,” ông này nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, một trong các sáng lập viên, tuyên bố với báo chí Việt Nam: “Thị trường tìm kiếm Việt Nam là một thị trường cực kỳ hấp dẫn, nhưng hiện nay thị trường này lại nằm trong tay Google một công ty của Mỹ và không đóng thuế cho Việt Nam.”

“Chúng tôi tin mình có thể tạo ra một sản phẩm tốt hơn và mang lại cho người dùng nhiều giá trị hơn,” ông Bình tự tin.

Kiểm duyệt

Ước tính một phần ba dân số Việt Nam đã lên mạng. Tiềm năng phát triển cùng dân số trẻ tại đây đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nội dung mạng, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Tuy vậy, các công ty phải cân nhắc yếu tố pháp lý và chính trị. Google, với khẩu hiệu ‘Không làm điều xấu’, không đặt văn phòng ở Việt Nam. Tập đoàn này lo ngại rủi ro quanh nội dung đặt ở các máy chủ và khả năng phải hợp tác với yêu cầu kiểm duyệt của nhà nước độc đảng ở Việt Nam.

Các trang web “nhạy cảm” bị chính quyền Việt Nam ngăn chặn, một số blogger đã bị tống giam và cũng có cáo buộc tin tặc thân chính phủ đánh phá các trang web phê phán Đảng Cộng sản.

Patrick Sharbaugh, giảng viên truyền thông ở Đại học Quốc tế RMIT tại Sài Gòn, tự hỏi liệu Cốc Cốc có sẵn sàng kiểm duyệt kết quả tìm kiếm, như trang Baidu làm ở Trung Quốc.

“Nếu một công ty như Cốc Cốc hay Baidu vào và nói, ‘chúng tôi sẵn lòng lọc những gì mà quý vị muốn’, và đổi lại, họ được chính phủ ưu đãi, nó có thể gây khó khăn cho Google,” ông nói với hãng AP.

Theo AP, đến nay chưa có dấu hiệu Cốc Cốc muốn đóng vai trò “con cưng” của Hà Nội. AP nói kết quả tìm kiếm những từ nhạy cảm như tổ chức Việt Tân, bị chính quyền Việt Nam gọi là khủng bố, ra tương tự như Google.

Tuy vậy, khi BBC thử đánh từ Việt Tân vào trang này, chỉ ra vài kết quả ít ỏi trên một trang. Khi bấm vào trang tiếp theo, người dùng nhận được thông báo: “Câu truy vấn của bạn không hợp lệ với công cụ tìm kiếm của chúng tôi.”

Nói chuyện với AP, một người sáng lập, Nguyễn Đức Ngọc, phần nào thừa nhận sự nhạy cảm khi được hỏi công ty có kiểm duyệt nếu được yêu cầu. Sau một phút im lặng, ông Ngọc đưa ra một ví dụ tìm kiếm mà có thể sẽ không cho ra kết quả: “Hồ Chí Minh”, lãnh tụ sáng lập Đảng Cộng sản và được nhà nước tôn thờ, và từ “là con chó”.

“Nhiều tìm kiếm như vậy là của những người quan tâm chính trị,” ông Ngọc nói.
“Người bình thường quan tâm những điều đơn giản hơn như làm sao tìm thấy thông tin về đời mình.”
“Trong một số trường hợp, nếu họ thực sự muốn dạng thông tin đó, chúng tôi có thể cung cấp các trang tìm kiếm khác.”

Hiện Cốc Cốc có để đường dẫn đến ba trang tìm kiếm khác: Google, Yahoo và Bing.
Dân số trẻ cùng tiềm năng phát triển ở Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư internet

Cạnh tranh

Trong một thông cáo, Google nói hãng hoan nghênh cạnh tranh từ Cốc Cốc và hy vọng sẽ mang thêm dịch vụ đến Việt Nam trong tương lai.

Google nói không có kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam, mặc dù tuần rồi mạng quảng cáo của Google, AdSense, lần đầu tiên đã hỗ trợ trang web có nội dung tiếng Việt.

Google và Baidu đã tranh giành thị trường tìm kiếm ở Trung Quốc đến năm 2010. Khi đó Google chuyển máy chủ sang Hong Kong sau tranh cãi với Bắc Kinh vì kiểm duyệt.

Baidu hiện là công cụ tìm kiếm hàng đầu ở Trung Quốc.

Hãng này có phòng thí nghiệm ngôn ngữ ở Singapore và được cho là muốn mở rộng sang các thị trường châu Á, nhưng không hoạt động ở Việt Nam. Theo AP, thái độ bài Hoa khiến các công ty mạng Trung Quốc đối diện nguy cơ bị tẩy chay ở Việt Nam.

Google thống trị thị trường tìm kiếm toàn cầu, nhưng kém công ty địa phương ở một số nước tại Đông Âu và châu Á, như Yandex ở Nga, Baidu ở Trung Quốc và Naver ở Hàn Quốc.
Trong đa số trường hợp, các công ty địa phương đã thống trị trước khi Google tiến vào. Sẽ khó hơn nhiều khi ai đó muốn lấy lại thị phần sẵn có của Google.

“Tôi hồ nghi là họ làm được, nhưng họ đang bỏ nhiều tiền quá,” Đỗ Anh Minh, một biên tập viên ở trang Tech Asia, nói.
“Việt Nam là nước khó làm ăn trừ phi anh có mặt tại chỗ. Có một số chuyện Google không thể theo kịp.”

Cốc Cốc đặt hy vọng “công nghệ xử lý tiếng Việt” của họ.
Thông cáo của họ nói: “Chúng tôi có thể tự hào mà khoe rằng sau hàng năm trời vật lộn làm nghiên cứu, kỹ sư của Cốc Cốc đã tìm ra những thuật toán có thể giải quyết các vấn đề khác nhau của ngôn ngữ tiếng Việt.”

Hãng này cũng nói văn phòng lớn tại Hà Nội giúp họ tiếp thị tốt hơn, hợp tác với các hãng cung cấp nội dung trong nước.

Các đội quay phim của Cốc Cốc đang quay và chụp các đường phố, quán xá để bổ sung cho kết quả tìm kiếm. Google không thể thực hiện dịch vụ hình ảnh đường phố (Street View) ở Việt Nam.

“Google là công ty nước ngoài, và họ không có mặt ở đây,” ông Ngọc nói. “Chúng tôi có thể phục vụ thị trường trong nước tốt hơn.”

2 comments:

  1. Nếu điều đó thành công thì thật tuyệt vời...

    ReplyDelete
  2. Theo tôi nghĩ là cốc cốc sẽ không cạnh tranh nổi với Google,vì google quá ưu việt.

    ReplyDelete