2012/12/29

Trung Quốc ngăn chặn các đường liên lạc mã hóa VPN

Ban Biên Tập No Firewall
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo

2012/12/29
Theo nguồn tin trang mạng news.cnet.com, trích dẫn tờ Guardian ngày 14/12/12, nhà cầm quyền Trung Quốc bắt đầu xử dụng một số kỹ thuật mới nhằm ngăn cấm các đường liên lạc được mã hóa xuyên qua Bức Tường Lửa Vĩ Đại (Great Firewall). Mục tiêu nhằm ngăn chặn các dân cư mạng tại Trung Quốc truy cập vào các trang mạng xử dụng giao thức HTTPS/TLS để mã hóa các trao đổi.

Việc phải áp dụng kỹ thuật này cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc đã thất bại trong nỗ lực kiểm duyệt các trao đổi giữa dân cư mạng và thế giới bên ngoài. Đây không phải là lần đầu tiên người ta nghe nói đến các nỗ lực kiểm duyệt của nhà cầm quyền Trung Quốc, từng được các tổ chức phi chính phủ về quyền tự do ngôn luận xem như là một kẻ thù của mạng Internet. Theo quyết định của Bộ Kỹ Nghệ và Công Nghệ Thông Tin Trung Quốc các hãng xưởng muốn xử dụng dịch vụ VPN (Virtual Private Network) cần phải đăng ký, và chỉ có các hãng xưởng gốc Trung Quốc hay liên doanh với các hãng xưởng Trung Quốc mới có quyền xin mở liên lạc VPN xuyên qua bức tường lửa. Các chuyên viên về an ninh điện toán nghi ngờ về sự hữu hiệu các kỹ thuật mới này, vì những lý do sau đây :

1)      Hiện nay số lượng dân cư mạng tại Trung Quốc lên đến hơn 540 triệu. Đây là một thị trường đông hơn cả Liên Âu (gấp 1,4 lần), Hoa Kỳ (gấp 2,2 lần). Với khối lượng đông như vậy, và một mạng xã hội rất phát triển, muốn kiểm soát các lưu lượng hàng ngày, cần phải có rất nhiều kỹ thuật thanh lọc tinh vi mà hiện nay ngay cả Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu về kỹ thuật mạng Internet cũng chưa có nổi. Do đó, Trung Quốc đã quyết định là ngăn chặn (block) thay vì thanh lọc (filter) khó hơn nhiều.

2)      Nền kinh tế Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới và lệ thuộc rất nhiều vào mạng Internet cho các dịch vụ thương mại và trao đổi bằng VPN giữa các hãng xưởng và các đối tác kinh tế, thị trường chứng khoán, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trên khắp thế giới. Do đó, nếu ngăn chặn toàn bộ dịch vụ VPN, Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho chính kinh tế của họ vốn đang tăng trưởng chậm lại và gặp thêm khó khăn do một số tẩy chay, và sự cạnh tranh gay gắt của thế giới.

3)      Hiện nay, mức tăng trưởng về thương mại điện tử (e commerce) tại Trung Quốc (120 Tỷ MK 2011) đang dẫn đầu thế giới, việc ngăn chặn các đường liên lạc VPN chắc chắn sẽ gây ra khó khăn cho chính các hãng xưởng nội địa và làm cho mức tăng trưởng này khựng lại, làm tăng thêm bất ổn chính trị.

4)      Với các kỹ thuật hiện nay như thanh lọc (filter các đường nối VPN bằng địa chỉ IP), không khai báo trên hệ thống DNS các đường nối VPN, xử dụng kỹ thuật đo entropy để xác định những dữ kiện trao đổi có bị mã hóa hay không, .. tất cả những kỹ thuật này để có giới hạn và đòi hỏi một khả năng theo dõi mà ngay cả việc tăng gấp nhiều lần số Công An Mạng cũng không đáp ứng được. Đó là chưa kể có những cách mã hóa đơn giản hơn nhưng cũng không kém hiệu quả như mã hóa ở mức hồ sơ (file encryption) chứ không cần ở mức tuyến liên lạc (tunnel).

5)      Và sau cùng lỗ hổng lớn nhất trong một chế độ độc tài là do chính sự bất tuân lệnh hay bất cẩn của những quản trị viên (administrator) còn có lương tri đang quản trị hệ thống kiểm duyệt. Với khả năng toàn quyền trên hệ thống bức tường lửa và với mức thiết trí rất phức tạp để có thể ngăn chặn những đường nối liên lạc rất chằng chịt và luôn thay đổi, họ có thể gây ra một lỗ hổng rất khó khám phá ra.

Người ta chắc chắn là Trung Quốc sẽ chỉ dẫn cho nhà nước Việt Nam về kỹ thuật này, nhưng hệ thống kiểm duyệt mới này cũng sẽ thất bại, không hiệu quả vì rất khó áp dụng khi nền kinh tế Việt Nam còn rất nhỏ bé so với Trung Quốc, đang rất èo uột, gặp nhiều khó khăn và còn lệ thuộc nhiều hơn vào thế giới bên ngoài.

Nguồn: CNET

2 comments: