Ban Biên Tập No Firewall
2012/07/12
Vào tháng 6, Bộ Thông Tin Truyền Thông Việt Nam đã trình dự thảo Nghị Quyết Quản Lý Internet thay thế Nghị Định 97/2008/CĐ-CP lên văn phòng Thủ Tướng và hiện đang được cứu xét để trở thành luật. Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 10 tháng 7 vừa qua, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã bày tỏ quan ngại về việc Nhà Nước Việt Nam hạn chế tự do Internet, tự do ngôn luận trên mạng và bắt bớ bloggers. Sự lên tiếng này của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ là cao điểm của tiến trình vận động quốc tế kể từ khi thông tin về dự thảo Nghị Quyết Quản Lý Internet được thông báo rộng rãi. Hệ quả của dự thảo này đã được Blog No Firewall trình bày tại đây.
Lướt qua nỗ lực vận động tự do Internet
Ngày 11 tháng 4, 2012 Đảng Việt Tân ra thông báo và phân tích hệ quả của dự thảo Internet đối với tự do ngôn luận và tự do Internet cho cư dân mạng Việt Nam. Bài phân tích kết luận rằng, thứ nhất dự thảo Internet là một trường hợp điển hình Nhà Nước Việt Nam áp dụng pháp luật như công cụ để hạn chế tự do Internet của người dân. Thứ nhì kiểm duyệt Internet không chỉ là vấn đề vi phạm nhân quyền mà sẽ kìm hãm phát triễn kinh tế và ảnh hưởng trách nhiệm của Việt Nam như một thành viên của cộng đồng quốc tế. Sau cùng, Đảng Việt Tân kêu gọi các công ty Internet ngoại quốc không hợp tác kiểm duyệt người dân Việt Nam.
Ngay sau đó, tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận Electronic Frontier Foundation đã tiếp tay quảng bá thông tin đến cộng đồng quốc tế và đặc biệt nhấn mạnh tai hại của dự thảo này đối với vấn đề tự do ngôn luận.
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới của Pháp cũng lên tiếng kêu gọi Nhà Nước Việt Nam hủy bỏ kế hoạch thực hiện dự thảo và đồng thời tái khẳng định rằng những hành vi đàn áp tự do Internet của Nhà Nước chỉ đặt Việt Nam vào hàng ngủ của các chính phủ bị xếp hạng "kẻ thù của Internet".
Chính các công ty Internet như Google, Yahoo! cũng đã rất lo ngại về dự thảo này. Ngày 23 tháng 5, Global Network Initiative, liên minh của các công ty Internet và tổ chức phi chính phủ, đã bày tỏ mối lo ngại về một số điều khoản mới của dự thảo, mà họ cho rằng sẽ ép các công ty Internet ngoại quốc tuân theo các tiêu chuẩn đi ngược lại với tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.
Vào đầu tháng 6 Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã đề nạp bản góp ý với Bộ Thông Tin Truyền Thông. Bản góp ý nói rằng một số điều khoản của nghị định được đề ra không khả thi và tạo ra các rào cản lớn cho việc cung cấp các dịch vụ Internet xuyên quốc gia và cản trở sự phát triển thương mại của lĩnh vực Internet tại Việt Nam.
Từ phía lập pháp Hoa Kỳ, dân biểu Frank Wolf đã viết thư đến Mark Zuckenberg, kêu gọi Facebook không hợp tác với Nhà Nước Việt Nam để kiểm duyệt người dùng Facebook.
Mới đây nhất, tổ chức Human Rights Watch, kêu gọi ngoại trưởng Hillary Clinton yêu cầu Nhà Nước loại bỏ những điều khoản hạn chế nhân quyền trước khi dự thảo được trình trước Quốc Hội Việt Nam. Human Rights Watch nói rằng dự thảo này là công thức để gia tăng bắt bớ bloggers và những ai cổ võ tự do Internet.
Quốc tế đã góp phần của họ. Phần còn lại là của chúng ta, những người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự thảo này. Chúng ta sẽ làm gì? Như đã trình bày, nếu Việt Nam muốn hội nhập với thế giới và giới trẻ Việt Nam muốn bắt kịp theo thời đại tin học, chúng ta phải đòi hỏi Bộ Thông Tin Truyền Thông phải có chính sách phù hợp với quy luật quốc tế hiện hành và cỗ võ cho quyền Tự Do Thông Tin chứ không thể hành xử như Bộ Công An.
Vi phạm tự do Internet là vi phạm quyền con người, ngày 5 tháng 7 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã công bố một nghị quyết như thế.
No comments:
Post a Comment