2011/03/13

RSF gọi Việt Nam là 'kẻ thù của internet'

BBC
2011/03/13
Nguồn BBC: Quán internet tại Việt Nam
Danh sách 'Kẻ thù của internet' mới mà tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) công bố bao gồm 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam.  Bên cạnh Việt Nam, là các quốc gia cũng từng có mặt trong nhiều danh sách trước, như Miến Điện, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Nhân Ngày Thế giới chống kiểm duyệt trên không gian ảo 12/03, RSF đã ra danh sách trên, cùng danh sách 16 quốc gia cần được theo dõi, với các nước như Australia, Pháp, Nam Hàn, Sri Lanka, Thái Lan và Malaysia.

Tổng thư ký tổ chức theo dõi tự do báo chí có uy tín, Jean-François Julliard, nói trong một thông cáo: “Khoảng 60 quốc gia kiểm duyệt mạng internet theo một mức độ nào đó, đồng thời sách nhiễu các công dân mạng (netizens)."

"Ít nhất 119 người hiện đang phải ngồi tù chỉ vì sử dụng internet để bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do."

Theo RSF, Việt Nam hiện giam giữ số lượng netizen nhiều thứ hai thế giới, với 17 người hiện đang chịu án tù. Tổ chức này nhận xét: "Các vụ bắt giữ là một phần của chu kỳ bắt đầu từ năm 2007, được gia tăng từ 2009, và tiếp tục tăng trong những tháng gần đây".

"Các vụ này cho thấy sự nhạy cảm của nhà cầm quyền trước tư tưởng bất đồng chính kiến trong thời kỳ trước Đại hội Đảng tháng 1/2011." 

Phần nói về Việt Nam của RSF đề cập tới nhiều vụ việc bị gọi là vi phạm tự do internet, như tình trạng ngăn chặn mạng kết nối xã hội Facebook.  Facebook tại Việt Nam, theo tổ chức này, đôi lúc bị chặn trong năm 2009, tới 2010 thì bị chặn thường xuyên hơn. Các chủ đề bị cho là "nhạy cảm" trong kiểm duyệt internet ở Việt Nam được nói là việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, vấn đề biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, kiện tụng về đất đai...

Tấn công tự do mạng


RSF cũng dẫn ra các bằng chứng cho thấy các trang blog và các diễn đàn bị kiểm duyệt. Tướng Vũ Hải Triều, Thứ trưởng Bộ Công an, hôm 05/05/2010 nói rằng các chuyên gia kỹ thuật của bộ này đã đánh sập 300 trang web và blog có nội dung "không phù hợp".

 
Theo tổ chức này, các cuộc tấn công từ chối dịch vụ DDoS đang được sử dụng với tần số cao để phá các trang mạng có nội dung đi ngược với quan điểm của chính quyền.

Khoảng 1.000 website bị tấn công dạng này trong năm 2009, và theo RSF, con số các đợt tấn công tăng lên gấp 10 lần trong năm ngoái.  "Trọng tâm của các cuộc tấn công này là các website chống chính phủ, cho thấy rằng việc tấn công có thể đã được chỉ đạo."

Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam còn ra nhiều thông tư, nghị định tăng kiểm soát mạng internet, như việc bắt buộc các quán cà phê internet phải đóng cửa sớm, hay gài phần mềm chống truy cập các trang mạng "xấu".

Nghị định mới về xử phạt hành chính đối trong lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng bị RSF liệt kê trong các chính sách tăng cường kiểm duyệt thông tin.  Năm 2010 được Phóng viên không Biên giới nhận định là năm của mạng internet, khi không gian ảo và các trang kết nối xã hội đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh xã hội.

RSF viết: "Mạng internet sẽ tiếp tục đóng vai trò là một công cụ, có thể được sử dụng vì cả mục đích tốt lẫn xấu."

"Nó tạo không gian tự do tại các quốc gia khép kín nhất. Tiềm lực của internet như công cụ phổ biến tin tức khiến các nhà độc tài tức giận và vô hiệu hóa các hình thức kiểm duyệt truyền thống."


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/03/110313_enemy_internet.shtml

No comments:

Post a Comment