2011/01/25

Việt Nam: Tình hình mạng xã hội sau một năm chặn Facebook


Global Voices
2011/01/25

Đan Thanh chuyển ngữ -Khi Việt Nam chặn Facebook, tất cả mọi người đều nói tới một nước Trung Quốc nhỏ. Một năm sau nỗ lực đó của chính quyền, Facebook Việt Nam đã kể một câu chuyện khác. Không chỉ vẫn ở trong danh sách 10 quốc gia có tốc độ người dùng Facebook tăng nhanh nhất, Việt Nam còn là nơi mà hoạt động marketing (tiếp thị) trên Facebook đang bùng nổ, các đơn vị marketing Facebook mọc như nấm khắp Internet.

Tại sao người Việt vẫn dùng Facebook ngay cả sau khi chính phủ đã chặn mạng này? Câu trả lời rất đơn giản: Vì họ vẫn dùng được. Nếu người sử dụng ở Trung Quốc phải trả phí cho VPN và phải mất rất nhiều thời gian mới vào được Facebook cũng như các website bị chặn khác, thì người ở Việt Nam chỉ cần chuyển chế độ cài đặt DNS là có thể thưởng thức đầy đủ Internet miễn phí.

Theo FBMan, một công cụ do Nguyen Thanh Long, nhân viên marketing Công ty Công nghệ ePi, tạo ra để theo dõi quy mô và tốc độ phát triển các fanpage (trang của người hâm mộ) trên Facebook tại Việt Nam, sử dụng Facebook API, thì fanpage lớn nhất ở Việt Nam bây giờ có 484.000 người tham gia. Đối với một thị trường 1,7 triệu người dùng (và sẽ còn nhiều nữa), con số đó cho thấy fanpage nọ đã chiếm gần 30% lượng người sử dụng Facebook ở Việt Nam. Nếu hình dung tỷ lệ đó trên quy mô thế giới, chúng ta sẽ có một fanpage với 100 triệu thành viên. Fanpage nọ do s2sFacebook lập ra, đây là một công ty chuyên marketing trên Facebook. Họ cũng quản lý một loạt trang khác với số lượng fan lên tới vài trăm ngàn.

Vũ Phương Thanh, nickname là Gào, có thể xem như người Việt Nam nổi tiếng nhất trên Facebook. Nhà văn kiêm blogger (từ blogger trở thành nhà văn) này chuyển sang dùng Facebook sau khi Yahoo!360 bị đóng cửa, và bây giờ fanpage của cô có 90.000 người hâm mộ. Hiện cô đang làm việc cho một công ty tìm kiếm tài năng mà Giám đốc PR là nữ diễn viên Ngô Thanh vân. Họ đang chuẩn bị cho việc lăng xê một boyband (nhóm hát toàn nam) có tên 365. Mặc dù nhóm này chưa ra đĩa hát đầu tiên, họ đã được nhiều tờ báo cả trung ương và địa phương gọi là “ban nhạc hot nhất trên Internet”.

Gào chia sẻ, mạng xã hội Facebook và YouTube chiếm 60% nội dung kế hoạch marketing của họ. Facebook là nơi mọi người biết đến 365. Cô không muốn dùng Zing Me hay các website Việt Nam khác:
“Cứ như bơi trong cái vũng bùn. Không gian và kết nối ở đó đều quá hạn hẹp”.
Zing Me, thuộc sở hữu của VNG, là mạng xã hội lớn nhất ở Việt Nam hiện nay với 5 triệu người dùng. VNG trước kia có tên là VinaGame – một hãng cung cấp game online khổng lồ ở Việt Nam.
Vo Thanh Cuong, một 8x, Ceo của Click Media, phát biểu tại một cuộc phỏng vấn qua Yahoo! Messenger (vẫn là phần mềm chat thống trị ở Việt Nam):

“Chúng tôi đã thử vài chiến dịch trên Zing Me, nhưng kết quả không khả quan lắm. Phần lớn người dùng Zing Me dưới 15 tuổi, nhiều người trong số họ vào Zing Me chỉ để chơi Nông trại (một trò chơi tương tự như Farmville trên Facebook). Ngoài game ra, không có nhiều hoạt động khác”.

Đầu năm nay, họ tổ chức một chiến dịch marketing tại Việt Nam cho Sony Ericsson Vivaz, thuêDon Nguyễn, một diễn viên hài nổi tiếng người Việt ở Mỹ, hát nhại các bài hát Việt Nam nổi tiếng, làm thành video đưa lên Youtube. Video này, được cho là do Sony Ericsson Vivaz sản xuất, thu hút 800.000 lượt người xem. Bản thân Don Nguyen có hơn 50.000 người hâm mộ trên fanpage cá nhân. Chiến dịch gần đây nhất của Click Media là phục vụ Vietnam Idol. Họ huy động nhiều kênh, kể cả Facebook, các diễn đàn, Zing Me, Nhac Cua Tui – một website chia sẻ nhạc, Yume – mạng xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, “Facebook vẫn là kênh hiệu quả nhất mặc dù nó đã bị chặn. Hiệu quả cả về tính tương tác lẫn tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate)”, Cuong cho biết. Nói về tỷ lệ chuyển đổi, anh có ý muốn nói tới tỷ lệ khách kích chuyển vào các website khác từ Facebook. Trong bất cứ cuộc trao đổi nào với những nhà làm marketing ở Việt Nam, Go.vn – phương án “trả đũa” của chính phủ Việt Nam với Facebook – khá là không đáng kể.

“100% khách hàng của chúng tôi là các thương hiệu quốc tế. Ở đây, mạng xã hội vẫn còn mới mẻ, các công ty không có ngân sách cho hoạt động marketing trên mạng xã hội. Nhưng tôi nghĩ từ năm tới sẽ có nhiều công ty Việt Nam hơn quan tâm đến lĩnh vực này. Các hãng quảng cáo giờ đã biết tính hiệu quả của mạng xã hội, mà họ là những người cố vấn và phân bổ ngân sách cho các thương hiệu” – Cường hy vọng.

Tuy nhiên, sau khi vượt qua hàng rào của chính phủ, các nhà marketing phải đối mặt với một trở ngại khác, lần này là từ chính Facebook. Đó là một chính sách của Facebook, block quyền xuất bản các trang cộng đồng lớn “do vi phạm điều khoản sử dụng của Trang Facebook”.

“Chuyện này xảy ra thường xuyên hồi chúng tôi mới bắt đầu: Cứ khi nào một trang đạt con số 10000 fan là Facebook lại block”, Cường thổ lộ. “Nhưng giờ thì ổn rồi. Chúng tôi đã thiết lập quan hệ độc quyền với Facebook SEA”.
Tôi có thể hình dung anh đang nháy mắt trước màn hình laptop ở đầu kia, trên màn hình đó, một trang Facebook đang mở.

Đối với những người không thích sự độc quyền ấy thì việc họ phải làm là tạo ra một trang mới giống như Gào đã làm với fanpage của 365. “Dùng Facebook, tính rủi ro rất cao”, cô nói. “Nhưng một khi người ta đã biết đến bạn rồi thì họ sẽ theo bạn dù bạn đi bất cứ đâu. Với 365 là vậy”. Fanpage mới của 365, 365daband, có hơn 7000 người hâm mộ sau 3 tuần.

Dù thế nào, các nhà marketing ở Việt Nam vẫn có cái để hy vọng. Tháng 10 năm trước, Facebook đăng một message trên Trang Việc Làm (Career Page) của họ, nói rằng họ đang tìm kiếm một ứng viên có
“kinh nghiệm trong công việc giao tế cho chính quyền và giao dịch với các cơ quan chính quyền, cùng mạng lưới quan hệ thật rộng trong chính phủ và môi trường công nghệ”.

Chuyến thăm Việt Nam gần đây của Javier Olivan, người đứng đầu bộ phận International Growth của Facebook, cho thấy Việt Nam sẽ sớm được quan tâm. “Họ nên làm thế”, Cuong nói. “Việt Nam là một thị trường không hề nhỏ”. Với dân số 90 triệu và tốc độ lan tỏa của Internet là 27,5%, Việt Nam dứt khoát là không nhỏ.


Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

No comments:

Post a Comment