2010/12/30

Khi cộng đồng Facebook nổi giận

Khánh An, phóng viên RFA
2010/12/30

Suốt ngày hôm qua (30/12), cộng đồng mạng Facebook Việt Nam xôn xao vì căn nhà của họ bỗng nhiên không vào được, mặc dù đã sử dụng các biện pháp đổi DNS, vượt tường lửa.












Photo courtesy Me Nam's Blog
Khẩu hiệu phản đối ngăn chặn truy cập trang Facebook tại Việt Nam được đăng trên trang Blog Mẹ Nấm.

Sự việc Facebook bị chặn lần này đã thực sự khiến cho các cư dân của cộng đồng mạng lớn nhất Việt Nam nổi giận. Họ quyết tâm hành động để giành lại Facebook. Khánh An tìm hiểu và tường trình.


Không chịu mất Facebook

Không hẹn mà gặp, chỉ trong ngày 30/12, hàng loạt cư dân của cộng đồng mạng cùng nêu lên ý tưởng là phải hành động để đòi lại quyền vào căn nhà chung của họ là trang mạng xã hội Facebook.

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, Nhà Mạng càng lấn tới, vì chúng quyết tâm chặn Facebook của ta lần nữa.  
Bạn Lee Minh

Trên trang Facebook có tên “Uất ức vì Facebook bị chặn và điện bị cắt”, các cư dân mạng không tiếc lời chỉ trích hành động chặn Facebook, rất nhiều người trên nhiều diễn đàn của Facebook kêu gọi biểu tình để đòi lại Facebook. 

Bạn Lee Minh viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, Nhà Mạng càng lấn tới, vì chúng quyết tâm chặn Facebook của ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất Facebook, nhất định không chịu làm nô lệ cho Mạng Xã Hội khác. Giờ cứu Facebook đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn Facebook”.

Cũng cùng ý tưởng trên, nhóm Facebook’s Power kêu gọi cộng đồng mạng Việt Nam cùng lên Facebook biểu tình vào cuối tuần này. Trong khi đó, blogger Mẹ Nấm treo lời kêu gọi ngay trên trang Facebook của mình với nội dung: “Bạn trả tiền để sử dụng dịch vụ Internet, bạn có quyền đòi hỏi mình phải được phục vụ đúng đắn. PHẢI ĐỂ CHÚNG TÔI LOG IN FACEBOOK BÌNH THƯỜNG!”

Có thể thấy cơn giận dữ của các cư dân mạng đã lên đến tột đỉnh khi quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm một cách thô bạo và đây không phải là lần đầu tiên trang mạng xã hội Facebook bị chặn.

Trước đây, các cư dân mạng chỉ cần đổi DNS hay sử dụng một số công cụ vượt tường lửa là có thể dễ dàng sử dụng Facebook. Thế nhưng lần này thì khác, bạn Dũng ở Việt Trì cho biết:

“Theo mình, Facebook trước đó đã bị chặn rồi nhưng chặn chưa triệt để. Đợt này Đại hội Đảng nên người ta mới chặn tương đối triệt để Facebook và mọi người rất kêu ca.”
Mức độ “triệt để” trong việc chặn Facebook, theo lời kể của các cư dân mạng, đã được các nhà cung cấp dịch tuân thủ một cách nghiêm chỉnh, chứ không nửa vời như những lần trước. Một bạn trẻ sử dụng

Facebook ở nhiều địa điểm khác nhau cho biết:

“Mấy ngày nay không vào Facebook được, sử dụng cả hai mạng luôn là VNPT ở dưới quê không vào được, bữa nay lên lại Sài Gòn sử dụng mạng của FPT cũng không vào được luôn. Phải xài chương trình vượt tường lửa này nọ nhưng có lúc được có lúc không, hầu như những phương pháp áp dụng từ trước tới giờ đều không hiệu quả nữa.”













Trang Facebook có tên “Uất ức vì Facebook bị chặn và điện bị cắt”. Screen capture. 


Ngay cả các tiệm net vốn rất linh hoạt trong vấn đề giúp truy cập mạng để chiều lòng khách hàng thì lần này cũng không có giải pháp cho các thượng đế của mình. Dũng cho biết:

“Các tiệm net kia thì đợt trước mình đổi DNS thì vào vô tư nhưng trong 2 ngày hôm nay thì tất cả quán net trong thành phố mà mình đến thì đều không vào được, chỉ có 1, 2 quán vào được thôi. Mình đã chạy khắp thành phố rồi.”

Nguyên nhân của đợt ra tay chặn Facebook lần này là gì? Hầu hết các cư dân mạng Facebook đều hồ nghi đây là một trong những chiến dịch dẹp loạn trước kỳ Đại hội Đảng sắp tới. Một cư dân của Facebook phân tích:

“Hai tuần trở lại đây là những tờ Dân Luận, Dân Làm Báo… đã bị chặn từ trước rồi, bây giờ tới Facebook, thành ra hình như có một chiến dịch gì đó, hình như là vậy.”
Ngăn cản sự đồng cảm

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho đây là nguyên nhân chính, mặc dù không thể chối cãi rằng việc chặn Facebook sẽ giúp ngăn cản sự liên kết, đồng cảm giữa những thành viên có cùng quan điểm theo kiểu “lề trái” trên mạng xã hội lớn nhất Việt Nam này.


Mọi người nghĩ như vậy nhưng Quỳnh thì Quỳnh nghĩ là đã đến lúc họ bắt đầu xiết chặt tự do thông tin, không có đại hội thì cũng vậy thôi.

Blogger Mẹ Nấm

Theo blogger Mẹ Nấm, ngay cả khi không có đại hội Đảng, Facebook vẫn có thể bị chặn như thường.

“Mọi người nghĩ như vậy nhưng Quỳnh thì Quỳnh nghĩ là đã đến lúc họ bắt đầu xiết chặt tự do thông tin, không có đại hội thì cũng vậy thôi.”

Trong khi đó, trả lời về câu hỏi Việt Nam có chặn trang Facebook và một số trang mạng xã hội khác, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga hôm 3/12 nói rằng “Internet tại Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và đang phát triển mạnh mẽ”.

Không quan tâm đến câu trả lời chính thức thế nào, khi đứng trước một thực tế là hầu hết người sử dụng mạng Facebook tại Việt Nam đồng loạt bị chặn thì cộng đồng mạng thực sự giận dữ. Họ tỏ ra đầy quyết tâm trong việc giúp nhau vào “căn nhà” của mình. Trên trang chính của hầu hết các nhóm đều chỉ dẫn cặn kẽ cách vào Facebook bằng các công cụ mới như Lisp4, hotspot Shield… và những người học cũng tỏ ra quyết tâm tìm hiểu các phương pháp vượt tường lửa. Dũng cho biết:

“Mình thì thật ra là Facbook rất quan trọng đối với mình, tại mình làm kinh doanh nhỏ, giao tiếp của mình hạn chế lắm. Facebook có tính tương tác rất cao, liên hệ bạn bè trên mạng rất dễ cho nên nhất quyết kiểu gì mình cũng phải vào cho bằng được Facebook. Mình thì về công nghệ mình rất là dốt nhưng vì Facebook rất quan trọng đối với mình nên kiểu gì mình cũng phải học được cách vượt tường lửa, cái đó thì mình nghĩ là không quá khó.”













Trang Facebook tiếng Việt, ảnh chụp trước đây.

Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm, khám phá phương pháp mới để vào Facebook, nhiều nhóm còn kêu gọi biểu tình trên mạng và đi biểu tình ở trụ sở của các nhà cung cấp dịch vụ mạng internet. Một thành viên lấy tên “Mỹ Phẩm Đẹp” viết: “Chúng tôi lên án kịch liệt các nhà mạng tham gia vào các chiến dịch làm căng thẳng tình hình trên Internet! Kêu gọi các bên FPT,EVN, VNPT, Viettel ngồi vào bàn đàm phán và trả lại chủ quyền cho facebook!”

Trong khi đó, blogger Mẹ Nấm cùng một số bạn bè dự kiến sẽ gửi đơn khiếu kiện nhà mạng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

“Đây không phải là lần đầu tiên Facebook bị chặn. Lần này hơi mạnh tay và nó ảnh hưởng đến rất nhiều người bình thường nên Quỳnh muốn chỉ ra cho người ta thấy là mình sẽ đòi được. Quỳnh sẽ căn cứ vô hợp đồng sử dụng internet, nó có một số điều khỏan, thì với cá nhân của Quỳnh và một số người Quỳnh quen sẽ gửi đơn khiếu kiện để buộc người ta phải trả lời bằng văn bản là Facebook là gì mà bị chặn? Tại vì mình không đảm bảo được quyền của mình thì trước tiên là mình phải đợi trả lời bằng văn bản cái đã, sau đó Quỳnh mới tính được cái hướng. Quỳnh nghĩ là Quỳnh sẽ khiếu kiện về mặt luật pháp thực sự tại vì “quyền được đảm bảo thông tin của người sử dụng internet” không được đảm bảo.” 

Hầu hết những người sử dụng Facebook đều cho rằng việc chặn Facebook hoàn toàn không mang lại hiệu quả, nếu có, cho mục tiêu chính trị. Thậm chí, nó có thể gây ra tác dụng ngược trong việc biến những cư dân vốn dĩ chỉ quen lên Facebook để chơi game, giao lưu bè bạn thì nay lại có dịp để tìm hiểu thêm về những nguyên nhân cũng như những quan điểm trái ngược về việc chặn Facebook và những vấn đề chính trị có liên quan khác. Thêm vào đó, khả năng “tức nước vỡ bờ” là hoàn toàn có thể xảy ra.

No comments:

Post a Comment