2010/09/12

Vượt tường lửa | Giới thiệu

Vào ngày 10-12-1948 việc thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã mở ra một kỷ nguyên mới. Học giả người Lebanon, Charles Habib Malik đã trình bày trước các đại biểu tham dự Đại hội như sau:

Tất cả mọi thành viên Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên hứa với chính họ là sẽ phải thực hiện cho được và tôn trọng nhân quyền. Nhưng, trên thực tế thì những quyền này là gì, chúng ta chưa bao giờ được biết từ trước đến nay, từ bản hiến chương LHQ hay từ những văn kiện của các quốc gia khác. Đây là lần đầu tiên những giá trị nhân quyền và những quyền tự do căn bản được định rõ một cách mạnh mẽ và chính xác. Bây giờ tôi đã thấu hiểu những gì chính phủ của nước tôi đã tự hứa sẽ đề cao, thực hiện và tuân theo.... Tôi có thể phản đối chính quyền tôi và nếu họ không hoàn thành lời hứa, tôi sẽ có và cảm thấy được sự ủng hộ tinh thần của cả thế giới.

Một trong những quyền căn bản nêu ra trong điều 19, là quyền được tự do ngôn luận:

Tất cả mọi người được quyền tự do diễn đạt tư tưởng của mình; quyền này bao gồm cả quyền được bảo vệ ý kiến của mình mà không bị làm khó dễ và được quyền tìm kiếm, lãnh hội và truyền đạt những thông tin và tư tưởng qua phương tiện truyền thông đến mọi nơi, mọi người.

Khi mà những điều trên được viết xuống cách đây 60 mươi năm, không ai có thể tưởng tượng được hiện tượng mạng Internet toàn cầu sẽ cho phép khả năng "truy cập, lãnh hội và truyền đạt thông tin" của nhân loại được mở rộng, không chỉ vượt biên giới với tốc độ kinh ngạc, mà còn ở trong các dạng có thể được sao chép, sửa đổi, sắp xếp, tổng hợp và chia sẻ với những thành phần đối tượng nhiều, ít khác nhau, so với phương tiện truyền thông hiện hữu vào năm 1948.
 
Lượng Thông Tin Từ Khắp Nơi Ngoài Sức Tưởng Tượng
Sự lớn mạnh khó tin trong những năm qua về số lượng thông tin dữ liệu trên Internet và tại những nơi truy cập được Internet đã tạo ra một hiệu quả là đem một số lượng khổng lồ kiến thức và sinh hoạt của nhân loại vào đến những nơi ít ai nghĩ đến như trong một bệnh viện ở vùng rừng núi xa xôi, hay trong phòng ngủ của đứa con 12 tuổi của bạn, nơi phòng họp nơi mà bạn có thể trình chiếu những sản phẩm mới sáng chế của bạn, hay ở nhà của bà ngoại bạn.

Trong những nơi nêu trên, xác suất nối kết với thế giới bên ngoài mở ra những cơ hội độc đáo nhằm cải thiện đời sống con người. Nếu bạn mắc phải một chứng bệnh lạ trong một dịp đi nghỉ hè nào đó, thì bệnh viện hẻo lánh đó có thể cứu chữa bạn bằng cách gửi kết quả thử nghiệm đến các bác sĩ chuyên khoa ở thành thị hay cả nước ngoài để tham khảo; đứa con 12 tuổi của bạn có thể tìm tài liệu qua mạng cho bài học, hay kết thân với những đứa trẻ từ những quốc gia khác; bạn có thể thuyết trình về sản phẩm mới của mình đến nhiều người ở khắp nơi trên thế giới để họ có thể giúp góp ý cải thiện; hoặc bà ngoại của bạn cũng có thể gửi chỉ dẫn cách làm bánh để bạn làm mà ăn tráng miệng tối nay.

Nhưng Internet không chỉ chứa đựng những thông tin tốt về giáo dục, tình bạn, hay cách thức làm bánh. Giống như thế giới này, Internet là một môi trường bao la, phức tạp đến nỗi đôi khi đáng sợ. Internet vừa phục vụ cho bạn, con bạn, bà ngoại của bạn và cũng cùng lúc phục vụ cho những thành phần độc ác, tham lam, trí trá hay thô tục.
Không Phải Ai Cũng Muốn Tiếp Nhận Với Cả Thế Giới
Với tất cả những bản chất xấu và tốt của con người được phản ảnh trên Internet, và sự gian dối và quấy phá cũng dễ dàng hơn nhờ vào công nghệ thông tin, cho nên không ai ngạc nhiên là cùng đồng hành với sự lớn mạnh của Internet là nỗ lực kiểm soát việc sử dụng Internet của con người. Có nhiều lý do khác nhau để thúc đẩy chuyện kiểm soát Internet. Các mục tiêu kiểm soát bao gồm:

•  Ngăn ngừa trẻ con tiếp cận với những thông tin và dữ kiện không lành mạnh, hoặc giới hạn việc liên lạc của trẻ con với những người có thể gây nguy hại cho chúng.
•  Giảm thiểu lượng quảng cáo thương mại quá nhiều qua thư điện tử (email), hay trên trang mạng.
•  Kiểm soát lưu lượng thông tin mà một người sử dụng nào đó có thể tiếp cận
•  Ngăn chặn nhân viên tiết lộ những thông tin riêng của công ty, hay dùng thời gian và phương tiện của công ty cho các sinh hoạt cá nhân.
•  Giới hạn việc tiếp cận thông tin hay những sinh hoạt trên mạng đã bị cấm hoặc được quy định trong phạm vi luật pháp ở cấp quốc gia hay tổ chức trường học chẳng hạn – như phim ảnh khiêu dâm, bạo hành, ma túy, rượu, cờ bạc, mãi dâm cũng như những thông tin về tôn giáo, chính trị, hay tổ chức sinh hoạt được xem là nguy hiểm.

Một số điều quan tâm trên đây bao gồm những việc như để cho quần chúng tự kiểm soát môi trường sử dụng Internet của họ (ví dụ như dùng những công cụ sàng lọc thư rác (spam) để ngăn không cho các email quảng cáo vớ vẫn vào hộp thư điện tử của họ), trong khi đó có những mối quan tâm khác thì lại chú ý vào việc xem người khác sử dụng internet như thế nào và giới hạn họ tiếp cận đến cái gì và không được tiếp cận cái gì. Vấn đề này gây nên sự xung đột và bất đồng ý kiến khi nhóm người bị giới hạn tiếp cận thông tin không đồng ý việc ngăn chặn này là phù hợp.
Ai Kiểm Duyệt Hay Ngăn Chặn Internet?
Thành phần hay các tổ chức muốn giới hạn việc sử dụng Internet của người khác cũng khá đa dạng như mục tiêu của họ. Họ có thể là các bậc phụ huynh, nhà trường, công ty thương mại, chủ quán Internet cà phê, những công ty cung cấp dịch vụ Internet, hoặc chính quyền các cấp.

Cực điểm của môi trường kiểm duyệt Internet là khi nhà cầm quyền của một quốc gia tìm cách giới hạn khả năng sử dụng Internet của toàn dân để truy cập thông tin, hay chia sẻ thông tin với thế giới bên ngoài. Một cuộc nghiên cứu của OpenNet Initiative (http://openNet.net) đã ghi lại nhiều phương thức mà các quốc gia trên thế giới sử dụng để sàng lọc hay ngăn chặn người dân dùng Internet. Danh sách này bao gồm những quốc gia với chính sách kiểm duyệt rộng lớn, thường xuyên ngăn chặn không cho người dân truy cập những trang mạng của các tổ chức nhân quyền, cơ quan thông tấn, các trang blog, hay các dịch vụ mạng vì những trang web này dám thách đố hay đe doạ quyền lực nguyên trạng của chính quyền, hoặc chỉ vì chính quyền không ưa họ. Có một số quốc gia thì ngăn chặn các trang web trong một lãnh vực nào đó, hay các trang mạng không thích hợp với chủ trương từng giai đoạn của thành phần quyền lực, thí dụ như trong thời gian có bầu cử, hay trong lúc dân chúng đang xuống đường biểu tình. Kể cả những quốc gia có thành tích khá trong vấn đề bảo vệ quyền tự do ngôn luận đôi khi cũng muốn giới hạn hay theo dõi những trang mạng có liên quan tới phim ảnh khiêu dâm, xách động “hận thù”, khủng bố và những hoạt động phạm pháp hay xâm phạm bản quyền.
Từ Sàng Lọc Thông Tin Dẫn Đến Giám Sát
Các viên chức hay các nhóm tư nhân có thể dùng nhiều cách khác nhau để trông chừng những sinh hoạt trên Internet của những người mà họ nghi ngờ, để nắm chắc là cách giới hạn của họ có tác dụng hữu hiệu. Bao gồm việc cha mẹ quan sát sau lưng con cái, hoặc xem máy vi tính của con mình đã truy cập trang mạng nào, cho đến những công ty giám sát điện thư của nhân viên, hay những cơ quan công lực đòi hỏi những nhà cung cấp dịch vụ Internet tiết lộ chi tiết thông tin, và ngay cả việc chính quyền tịch thu máy vi tính ở nhà bạn để tìm những chứng cớ rằng bạn có dính liếu đến những những hoạt động không “thích hợp”.
Khi Nào Trở Thành Kiểm Duyệt?
Tùy thuộc vào người đang chủ trương giới hạn việc sử dụng Internet và/hoặc giám sát nó và tùy vào lập trường của người đang bị giới hạn mà những mục tiêu và phương thức nêu ra vừa rồi có thể được xem là chính đáng và cần thiết hoặc ngược lại được xem như là một sự kiểm duyệt không thể chấp nhận được và là một vi phạm nhân quyền. Ví dụ, một cậu học trò trung học bị nhà trường chặn không cho vào các trang có trò chơi trực tuyến hay vào các mạng xã hội như Facebook sẽ cảm thấy quyền tự do cá nhân bị giới hạn tương tự như một người nào đó bị chính quyền ngăn chặn không cho đọc báo mạng nói về đảng phái đối lập.
Ai Ngăn Chặn Tôi Sử Dụng Internet?
Ai có khả năng ngăn chặn bất cứ máy vi tính nào truy cập Internet ở một quốc gia nào đó tùy thuộc vào người đó có khả năng kiểm soát những phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng Internet. Sự kiểm soát này có thể dựa trên mối quan hệ hay yêu cầu được quy định bởi luật pháp, hoặc do áp lực của nhà nước lên trên cơ phận điều hành cơ sở hạ tầng Internet để buộc họ phải ngăn chặn, sàng lọc hay thâu thập thông tin. Nhiều cơ phận của hệ thống hạ tầng Internet quốc tế nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền, hay những cơ quan do chính quyền quản lý; nên bất cứ cơ quan nào kể trên cũng có thể thực thi quyền kiểm soát Internet theo luật lệ điạ phương hay không theo một luật lệ nào cả. 

Sự kiểm duyệt hay ngăn chặn một phần của Internet có thể là nặng hoặc nhẹ tay, có thể định nghĩa được, hoặc gần như không thể thấy được. Một số nước công khai thừa nhận sự ngăn chặn Internet và ra thông báo các tiêu chuẩn ngăn chặn, cũng như thay website bị ngăn chặn bằng một lời giải thích. Một số quốc gia khác, không có những tiêu chuẩn rõ ràng và đôi khi dựa vào một số nguyên tắc bất thành văn và những điều không xác thực để áp lực các ISP phải sàng lọc
thông tin. Ở những nơi khác thì việc sàng lọc thông tin được ngụy trang bằng lý do trở ngại kỹ thuật và nhà nước không công khai thừa nhận trách nhiệm hay xác nhận có chủ ý ngăn chặn. Những nhà điều hành mạng lưới trong cùng một nước, dưới cùng một luật quy định những có thể áp dụng các phương thức sàng lọc thông tin khác nhau vì lo ngại hoặc vì tay nghề kém.
Bất cứ ở mức độ kiểm soát nào, từ mức độ cá nhân hay cấp quốc gia, những khó khăn trong kỹ thuật ngăn chặn đưa đến những hệ quả ngoài ý muốn và đôi khi trớ trêu. Ví dụ như việc sàng lọc để ngăn chặn phim ảnh khiêu dâm lại ngăn chặn luôn các thông tin về sức khoẻ. Khi ngăn chặn các thư rác vô hình chung có thể chặn luôn các email liên hệ đến công việc. Còn ngăn chặn những trang tin tức nào đó cũng có nghĩa là chặn luôn những tư liệu giáo dục quý báu.


Những Phương Cách Hiện Có Để Vượt Qua Sự Kiểm Duyệt
Có nhiều cá nhân, hoặc công ty và chính quyền đôi khi cảm thấy Internet là một nguồn thông tin nguy hiểm cần phải được kiểm soát. Ngược lại cũng có nhiều cá nhân, và nhiều nhóm người bỏ nhiều công sức để bảo đảm cho Internet và những dữ kiện thông tin trên đó được mọi người truy cập thoải mái. Những thành phần này có nhiều động cơ thúc đẩy khác nhau cũng y như thành phần muốn kiểm soát Internet. Tuy nhiên, đối với những người bị hạn chế sử dụng Internet và muốn vượt rào cản này thì các công cụ nào do ai soạn thảo ra đều không thành vấn đề.
Có rất nhiều nỗ lực từ các công ty thương mại, các nhóm bất vụ lợi, tự nguyện để soạn ra những công cụ và kỹ thuật để vượt qua sự kiểm duyệt Internet. Một số kỹ thuật không cần phần mềm đặc biệt, chỉ cần biết đi tìm thông tin này ở đâu thôi. Các lập trình viên đã soạn thảo nhiều phần mềm tốt giúp vượt qua những cách sàng lọc ngăn chặn khác nhau. Những nhu liệu này thường được gọi là “nhu liệu vượt thoát” hay “công cụ vượt thoát” (circumvention tools) giúp cho người dùng Internet tiếp cập được những thông tin bị ngăn cấm.
 
Có Những Rủi Ro Gì Khi Sử Dụng Những Nhu Liệu Vượt Thoát?
Chỉ có bạn, là người muốn vượt qua những giới hạn để dùng Internet, mới có thể quyết định mức độ rủi ro trong việc tiếp cận thông tin bị ngăn cấm. Và chỉ có bạn mới quyết định được lợi ích của thông tin có được có đáng giá phải trả hay không. Có thể chẳng có luật lệ nào cấm những thông tin bạn muốn hay hành vi truy cập thông tin đó. Mặt khác, không có luật phạt không có nghĩa là bạn sẽ không bị hệ quả nào khác, như bị xách nhiễu hay mất việc làm. 




Tác giả : Giới Thiệu
© Alice Miller 2006, 2008
Điểu chỉnh:
adam hyde 2008, 2009
Ariel Viera 2009
Austin Martin 2009
Edward Cherlin 2008
Janet Swisher 2008
Seth Schoen 2008
Tom Boyle 2008

Giấy phép: Giấy phép công cộng

Sản xuất cho cẩm nang FLOSS
 

No comments:

Post a Comment